'3 mấu chốt' trong phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện Đề án 1371 - Bài 1: Nhận thức đúng về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng

Bài 1: Nhận thức đúng về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng

Cũng như bất kỳ nhiệm vụ nào, chỉ khi nhận thức đúng và đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho bộ đội và thực hiện Đề án 1371 mới giúp cấp ủy, người chỉ huy có những chủ trương, giải pháp sát, đúng, sáng tạo để thực hiện hiệu quả công tác này, tránh biểu hiện qua loa, hình thức, đối phó.

Yếu tố tiên quyết để thực hiện tốt nhiệm vụ

Có thể khẳng định, dù đứng chân ở địa bàn nào, thực hiện nhiệm vụ gì thì việc quân nhân tự giác chấp hành áp luật, kỷ luật, tình hình địa phương ổn định cũng là nền tảng, điều kiện thuận lợi để đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ và ngược lại. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định tới kết quả thực hiện công tác này ở các đơn vị; tạo sự thống nhất về ý chí, hành động giữa chủ thể và đối tượng PBGDPL, góp phần ngăn chặn thói hư tật xấu, các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật. Cũng từ đây, cấp ủy, người chỉ huy các cấp mới có chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đơn vị; có chỉ tiêu phấn đấu, phân công rõ trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách; định hướng cho cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; kịp thời phát hiện những mô hình, cách làm hay, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những nơi làm chưa tốt, trách nhiệm chưa cao, hình thức, đối phó, hiệu quả thấp...

Về vấn đề này, khoản 1 và 2 Điều 49, Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30-3-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định công tác PBGDPL trong Bộ Quốc phòng nêu rõ: PBGDPL là trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong Quân đội, trong đó chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, tổ chức pháp chế, cơ quan được giao phụ trách công tác pháp chế, PBGDPL giữ vai trò nòng cốt. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL; xác định công tác PBGDPL là một nội dung trong nghị quyết và kế hoạch công tác thường xuyên.

Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được Lữ đoàn Tàu ngầm 189 (Quân chủng Hải quân) biên soạn ngắn gọn, bố trí trong tủ sách ở tàu để bộ đội tiện sử dụng ngay cả khi thực hiện nhiệm vụ trên biển. Ảnh: LINH AN

Không để “365-1=0”

Lữ đoàn àu ngầm 189 là đơn vị đặc biệt, trọng điểm của Quân chủng Hải quân nên phải có những con người đặc biệt với “lòng trung thành đặc biệt, tinh thần đoàn kết đặc biệt, tính kỷ luật đặc biệt và bảo đảm bí mật đặc biệt” thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Xuất phát từ đòi hỏi này, cấp ủy, chỉ huy các cấp của Lữ đoàn đã gắn công tác PBGDPL với việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tổ chức quần chúng xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. Cùng với các hình thức truyền thống, phổ biến tập trung, chỉ huy các cấp đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi, đa dạng hóa các mô hình, hình thức PBGDPL gắn với việc duy trì pháp luật, kỷ luật, quy định của đơn vị; kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật thông qua các hoạt động dân vận.

Hơn hai năm qua, đơn vị đã tổ chức hơn 40 chương trình tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật kết hợp với giao lưu văn nghệ và thực hiện mô hình “Lấy vụ việc vi phạm kỷ luật làm chủ đề sinh hoạt tư tưởng”; sử dụng các mạng xã hội chia sẻ video, hình ảnh tuyên truyền việc chấp hành pháp luật theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa tuyên truyền, giáo dục hai chuyên đề pháp luật về thủ đoạn của các đối tượng thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về các loại tội phạm hình sự hiện nay. Chủ động biên soạn các tài liệu có nội dung ngắn gọn, từ ngữ gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu để bộ đội tiện nghiên cứu vào thời gian rảnh rỗi...

Thông qua các hình thức này đã tác động trực tiếp đến ý thức, nhận thức và làm chuyển biến trong hành động của bộ đội; đơn vị không để xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng đến mức phải xử lý. Thượng tá Nguyễn Đức Tường, Chính ủy Lữ đoàn Tàu ngầm 189 chia sẻ thêm: “Vì tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, toàn đơn vị luôn nêu cao tinh thần không để “365-1=0”. Nghĩa là cả 365 ngày trong năm phấn đấu, nhưng nếu để xảy ra một vụ việc là thành tích trở về số 0, từ đó nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải luôn nỗ lực trong tu dưỡng, rèn luyện, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất, vi phạm mà hủy hoại kết quả phấn đấu cả năm của cá nhân, đơn vị...”.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật cũng được huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) xác định đúng ý nghĩa, tầm quan trọng, từ đó có biện pháp triển khai phù hợp. Đồng chí Nguyễn Duy Luân, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1371 huyện Bạch Thông đánh giá: “Hội đồng Phối hợp PBGDPL Ban CHQS huyện Bạch Thông đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương để đảm nhiệm nội dung, lựa chọn hình thức PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đơn vị đã cố gắng bảo đảm tốt kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này; phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa-Thông tin của huyện tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa qua các tiểu phẩm “Bộ đội Cụ Hồ khéo thật”, “Tôi đã hiểu”... Qua đó, góp phần ổn định mọi mặt ở địa phương, tăng cường mối đoàn kết quân-dân”.

(còn nữa)

ĐỨC TUẤN