'30 điểm mới nên đăng ký ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa'

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 diễn ra sáng 11/4 tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Lê Duy Quang, học sinh trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội, đặt câu hỏi về cơ hội trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội.

"Em từng đoạt giải ba cuộc thi học sinh giỏi thành phố môn Tin học. Nếu nộp hồ sơ theo phương thức xét tuyển tài năng, cơ hội phỏng vấn của em ở mức nào? Học ngành này, ra trường, em có cơ hội việc làm cao không?", Duy Quang hỏi.

Cơ hội trúng tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội, độ "hot" của ngành Công nghệ thông tin cũng là câu hỏi của nhiều học sinh khác.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội (ở giữa) - giải đáp thắc mắc của thí tinh tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021. Ảnh: N.S.

Trả lời thắc mắc của Duy Quang, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - khẳng định ngành Công nghệ thông tin chắc chắn "hot". Theo dự báo, nhu cầu nhân sự trong 5 năm tới lên đến một triệu người. Công nghệ thông tin len lỏi vào mọi thứ trong cuộc sống và chúng ta nghe rất nhiều đến chuyển đổi số.

Ông Điền thông tin hầu hết trường kỹ thuật ở nước ta, không chỉ riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Do đó, thí sinh có nhiều sự lựa chọn.

ĐH Bách khoa Hà Nội tập trung 3 lĩnh vực chính của ngành này. Một là Khoa học máy tính, trong đó, sinh viên phải rất giỏi Toán. Thứ hai là Kỹ thuật máy tính liên quan máy chủ, truyền dẫn, hệ thống thông tin… Thứ ba là Công nghệ thông tin truyền thống, ngành dạy về lập trình. Chuyên ngành thứ ba mang tính ứng dụng hơn hai chuyên ngành trước.

"Nếu ra khỏi phòng thi, em chắc chắn 3 môn đều 10 điểm hãy suy nghĩ đến việc đó. Ta phải cân bằng giữa mong muốn của mình và năng lực thực sự. Đề thi năm nay chắc cũng không khác biệt, khoảng 40 câu gồm kiến thức cơ bản mà những bạn khá giỏi làm rất nhanh chóng. 10 câu còn lại mang tính thách thức cần vượt qua", ông Điền khuyên.

Về phần câu hỏi liên quan xét tuyển tài năng, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết năm nay, ngành Công nghệ thông tin cũng như các ngành khác, được trường dành khoảng 25% để xét tuyển thẳng và xét tuyển theo hồ sơ.

Số xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT chiếm đến 15-20% như truyền thống. Đó là các thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba quốc tế, quốc gia trong các môn Toán, Lý, Tin học.

Ông Điền cho biết thêm trong lớp kỹ sư tài năng, tối đa 32 sinh viên, gần 30 em đã được xét tuyển thẳng nhờ đoạt giải quốc gia.

Với trường hợp của Duy Quang, em đoạt giải cấp tỉnh thì được cộng điểm trong hồ sơ xét tuyển tài năng và còn phải trải qua vòng phỏng vấn.

Sinh viên Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông trong một giờ học. Ảnh: ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ông khuyên thí sinh cần cân đối vì dựa trên quy định của trường, em đã có thể định lượng hóa hồ sơ, nhìn thấy điểm của mình. Xét tuyển tài năng cũng là một con đường để thí sinh phấn đấu.

"Thầy cũng khuyên em không nên từ bỏ giấc mơ của mình. Các trường khác như ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng đều có chương trình Công nghệ thông tin hết sức hấp dẫn", PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhắc lại.

Nguyễn Sương