49/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng

Đoàn viên, thanh niên tổ công nghệ số cộng đồng tỉnh Bắc Giang hướng dẫn tiểu thương sử dụng mã QR code. Ảnh minh họa: Đồng Thúy/TTXVN

Tính đến ngày 20/8/2022, đã có 119.464 dịch vụ hành chính công trực tuyến do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cung cấp. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 84.286 dịch vụ. Đặc biệt, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 51,49%, tăng 4,6% so với tháng 7/2022. 49/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 42.460 tổ và trên 208.300 người tham gia.

Về việc xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, hiện nay công việc nhiều nhưng nguồn lực, con người có hạn nên cần huy động sức mạnh của cộng đồng để cùng chung tay giải quyết vấn đề và phải tạo ra lợi ích dương cho xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn chung triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, nhưng mỗi địa phương cần có cách làm khác nhau để đạt được mục tiêu theo đặc thù của mình.

Thống kê từ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (Chương trình SMEdx), đến ngày 19/8, hơn 379.860 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số Make in Việt Nam do Chương trình tuyển chọn, hơn 56.260 doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng của Chương trình.

Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin tháng 8/2022 ước đạt 334.866 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ 2021 và tăng trưởng 36,56% so với tháng 7/2022. Doanh thu tăng đột biến do chính sách mở cửa nền kinh tế của Chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu và sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng.

Doanh thu của lĩnh vực Bưu chính trong tháng 8/2022 ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng bưu chính ước đạt trên 186 triệu bưu phẩm (tăng 120% so với cùng kỳ năm 2021), Hơn 185.500 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử trong tháng 8/2022.

Về lĩnh vực Viễn thông, tính đến tháng 8/2022 Việt Nam đã có hơn 170 thành viên triển khai công nghệ ký số tài nguyên internet. Tỷ lệ ký số tài nguyên internet trên dữ liệu xác thực định tuyến Việt Nam đạt 61%. So với tháng 7/2022, số lượng thuê bao băng rộng cố định đạt 20,73 triệu thuê bao (tăng 0,34%); thuê bao băng rộng di động đạt 81,8 triệu (tăng 0,4%).

Về xây dựng Luật Viễn thông, theo Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, việc xây dựng luật rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông cần tập trung, chủ động hơn nữa trong việc hoàn thiện các nội dung của Luật Viễn thông.

Các đơn vị phối hợp, hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông đăng lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ (mic.gov.vn) vào ngày 30/9 để lấy ý kiến góp ý. Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông hoàn thiện dựng Luật Công nghiệp công nghệ số trong tháng 12/2022 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2023 của Quốc hội.

Ngọc Bích (TTXVN)