5 đại án tham nhũng, kinh tế được yêu cầu khẩn trương xét xử

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hpj phiên thứ 20. Ảnh: TTXVN.

Xử lý 7 cán bộ diện Trung ương quản lý và 14.413 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Ngày 5/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Phiên họp thứ 20 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo từ sau Đại hội XIII của Đảng.

Phiên họp thứ 20 nhằm đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; Kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 19 đến nay.

Đồng thời Ban Chỉ đạo cho ý kiến về Dự thảo Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”; Quy định về hoạt động kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo.

Báo cáo tại Phiên họp thể hiện, trong 6 tháng qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.

Xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 1 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, 7 cán bộ diện Trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp nhà nước có sai phạm.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp 19 đến nay, đã khởi tố mới 7 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 1 vụ án/7 bị can…

Qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, các bộ, ngành đã phát hiện, chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Xử lý kỷ luật 27 cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, 16 cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân do tham nhũng, tiêu cực. Khởi tố mới 16 vụ án/19 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả. Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Khẩn trương xét xử 5 đại án

Kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu trong thời gian tới tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét và các vụ án, xử lý của vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Đến hết năm 2021 kết thúc điều tra 2 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án, xét xử sơ thẩm 3 vụ án xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 5 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Khánh Hòa...

Khẩn trương đưa ra xét xử 5 vụ án gồm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây cùng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Vụ án “Tham ô tài sản. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan.

Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận. Vụ án “Đưa hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Về dự thảo đề án sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí, Ban Chỉ đạo không chỉ có chỉ đạo phòng chống tham nhũng mà bao gồm cả tiêu cực (như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,…). Ban Chỉ đạo phải làm việc đó. Tham nhũng kinh tế làm mất tiền bạc, nhưng suy thoái, tiêu cực không chỉ làm mất cán bộ mà nặng hơn là làm giảm uy tín của Đảng, thậm chí có thể làm mất chế độ… Tiền mất có thể thu hồi lại. Cán bộ mất phẩm chất chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô cùng…

Hoàng Anh