'AI đóng vai trò như một đồng nghiệp, giúp gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài và thu hút độc giả'

í tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence) đang được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống và báo chí cũng không ngoại lệ. Trong lĩnh vực báo chí, AI đã được ứng dụng ở tất cả các khâu từ thu thập, xử lý thông tin, hình ảnh cho đến xuất bản, sản xuất chương trình, phân phối tin tức... Để hiểu rõ hơn về ứng dụng AI trong báo chí, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tấn Anh Vũ - Trưởng đại diện khu vực phía Nam Công ty Cổ phần giải pháp Trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS).

Ông Phạm Tấn Anh Vũ tập huấn cách sử dụng phần mềm Memobot - Phần mềm áp dụng công nghệ AI xử lý giọng nói /phát biểu chuyển thành văn bản cho đội ngũ phóng viên Báo Tây Ninh (Ảnh: Ngọc Bích)

Phóng viên: Nhiều nghiên cứu cho rằng việc ứng dụng AI vào hoạt động của tòa soạn là điều chắc chắn xảy ra vì những lợi ích mang lại quá lớn. Xin ông cho biết xu hướng này đã và đang diễn ra ở các cơ quan báo chí trên cả nước hiện nay?

Ông Phạm Tấn Anh Vũ:

Thực ra thì trí tuệ nhân tạo không hề xa lạ đối với các tòa soạn báo trên cả nước. Đa số mọi người trong lĩnh vực truyền thông, báo chí đều đã từng trải nghiệm hoặc dùng qua một vài tính năng, công cụ áp dụng AI trong quá trình tác nghiệp để tạo ra bài báo. Chẳng hạn như phóng viên dùng Translate chuyển đổi văn bản từ tiếng Anh qua tiếng Việt, hoặc dùng bản đồ Google Map để tìm đường đi đến địa điểm công tác…

Đối với các báo tại Việt Nam áp dụng nhiều công nghệ như Vnexpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Znews (Zingnews)… cũng đã và đang áp dụng AI bên trong tòa soạn như tính năng lọc/chặn tin nhắn tiêu cực trên báo hoặc mạng xã hội - Fanpage của báo hoặc thống kê lượt xem bài báo của bạn đọc.

Tất cả đều là những con robot AI chạy ngầm trong hệ thống làm nhiệm vụ thông báo cho người quản trị nội dung hoặc phóng viên biết được bài báo của mình có sự thu hút hoặc được nhiều bạn đọc quan tâm hay không.

Từ tháng 11.2022, sự xuất hiện của mô hình AI mới- ChatGPT đã tạo ra một trào lưu công nghệ mới khiến các cơ quan báo chí cũng không đứng ngoài cuộc đua cập nhật công nghệ mới này.

Năm 2023-2024, nhiều tòa soạn đã bắt đầu tổ chức những lớp học về đào tạo ứng dụng AI để phóng viên và cộng tác viên có nhu cầu tiếp cận công nghệ có thể xử lý nhanh công việc một cách hiệu quả. Chẳng hạn như Đài truyền hình VTV, HTV, VOH, báo Người Lao Động, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Báo ây Ninh…

Như vậy, có thể nhìn thấy được rằng xu hướng hiện nay tại các tòa soạn của tại Việt Nam đã và đang chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các kiến thức mới về công nghệ, đặc biệt là ứng dụng AI của Việt Nam và ế giới để có thể giúp cho quá trình tác nghiệp nhanh và hiệu quả hơn.

Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí phỏng vấn nhân vật.

Phóng viên: AI đang được ứng dụng vào những khâu nào trong hoạt động của các tòa soạn, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Anh Vũ:

Các tòa soạn hiện nay đều có thể ứng dụng các công cụ AI vào mọi quy trình sản xuất tin bài. Ví dụ như trước khi sản xuất, có thể nhờ AI tư vấn nội dung viết hoặc lên kịch bản chương trình. Trong khi sự kiện diễn ra, có thể dùng các công cụ AI bóc băng nội dung phỏng vấn. Khi làm hậu kỳ có thể nhờ AI biên tập nội dung bài viết hoặc tạo ảnh minh họa cho bài viết. Thậm chí, với truyền hình đa phương tiện có thể tạo ra giọng đọc hoặc phát thanh viên ảo giúp bản tin thêm sinh động và thu hút được sự quan tâm của độc giả.

Điểm mạnh của AI chính là có thể làm ra được những kịch bản, nội dung chương trình hoặc là giúp tư vấn cho một kế hoạch sản xuất tin bài hiệu quả hoặc cũng có thể đưa ra ý tưởng hoặc đặt tiêu đề cho bài viết. Thậm chí có thể đóng vai người trợ lý tham mưu, góp ý với phóng viên để tìm ra được những nội dung phù hợp sản xuất trong một thời gian ngắn nhất.

Như vậy công cụ AI thuộc nhóm thế hệ GenAI mới có thể can thiệp vào quá trình sản xuất tin, bài của phóng viên, hoặc là những công cụ hỗ trợ cho quá trình hoàn thiện một tác phẩm báo chí trở nên ấn tượng hơn, bắt mắt hơn và tạo ra được nhiều tương tác với bạn đọc hơn.

Phóng viên Báo Tây Ninh thực hành dẫn chương trình tại hiện trường.

Phóng viên: Vậy có khi nào AI thay thế hoàn toàn vai trò của nhà báo không, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Anh Vũ:

Theo quan điểm cá nhân thì AI hiện tại chưa thể thay thế hoàn toàn các hoạt động của một phóng viên hoặc là một kỹ thuật viên làm công việc ở trong tòa soạn. AI đóng vai trò như một đồng nghiệp tham mưu nội dung và hỗ trợ cho phóng viên, kỹ thuật viên trong việc xử lý các ấn phẩm báo chí một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Từ đó giúp gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài và thu hút độc giả.

Bởi vì AI có một đặc điểm là sử dụng mô hình toán học và tập trung rất nhiều vào khả năng tư duy và logic vấn đề. Nó hoàn toàn không có cảm xúc như con người. Giống như là một bộ não con người phát triển lệch cực, 100% chỉ tập trung toàn bộ vào xử lý thông minh - IQ và bỏ qua toàn bộ phần cảm xúc 0% của EQ khi giao tiếp với mọi vấn đề.

Trong khi đó, một phóng viên, biên tập viên hoặc những nhân viên kỹ thuật góp phần tạo ra một tác phẩm báo chí thì đòi hỏi sự cân bằng 50/50 giữa IQ và EQ. Đây chính là yếu tố khách quan trong một tác phẩm báo chí để bạn đọc tiếp nhận và thích thú bởi vì cảm xúc câu chuyện được thể hiện qua từng câu chữ, ngôn ngữ, hình ảnh mà con người dùng sự kết hợp giữa IQ và EQ lồng ghép vào đó. Chỉ có nhà báo mới thể hiện cảm xúc của mình trong từng bài viết, với nỗi đau của nhân vật trong từng phóng sự hoặc bức bối khi viết một đề tài về sự bất công của xã hội, cái này thì AI chưa làm được.

Tóm lại, có thể nói AI chỉ thay thế con người ở những công việc lặp lại thường xuyên và đòi hòi những thao tác đơn giản như lên kế hoạch sản xuất nội dung, trả lời tự động các nội dung có sẵn hoặc tạo ra một đề cương chuyên đề phóng sự. Tuy nhiên, nhà báo vẫn phải đóng vai trò quyết định và nhà báo vẫn là người chịu trách nhiệm xã hội cho mọi tác phẩm báo chí được đăng tải.

Phóng viên tác nghiệp tại trường quay Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh.

Phóng viên: Như vậy, nếu biết sử dụng, AI sẽ là công cụ hữu hiệu để nhà báo tăng năng suất lao động, các cơ quan báo chí sử dụng AI thay con người trong một số công đoạn và giúp tăng doanh thu. Điều này rất hữu ích trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và tự chủ tài chính, phát triển kinh tế báo chí.

Ông Phạm Tấn Anh Vũ:

Đúng vậy! Trong tương lai của báo chí hiện đại chính là sự kết hợp giữa trí thông minh của máy móc và cảm xúc con người để tạo ra một tác phẩm báo chí hấp dẫn hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Phóng viên: Để bắt nhịp với công nghệ AI, ông có khuyến nghị gì đối với các cơ quan báo chí và các nhà báo?

Ông Phạm Tấn Anh Vũ:

Theo tôi, dù là nhân viên hay lãnh đạo thì bài toán đặt ra luôn là sự học hỏi và trau dồi, cập nhật kiến thức công nghệ AI ngày càng thành thạo và quen thuộc hơn. Đối với từng vị trí khác nhau, mọi người sẽ có những “đổi mới và sáng tạo” nếu áp dụng được các công cụ AI phù hợp.

Chẳng hạn với nhân viên thì bắt đầu tập làm quen với các công cụ AI của Việt Nam và thế giới thông qua các khóa đào tạo hoặc học hỏi và chia sẻ kiến thức kinh nghiệm sử dụng với các đồng nghiệp với nhau giúp ứng dụng thực tế vào trong quá trình tác nghiệp. Hỏi chuyên gia khi gặp khó khăn về sử dụng AI cũng là một cách học để áp dụng thực tế vào công việc.

Với lãnh đạo, họ có thể sử dụng AI như một công cụ tham mưu và phân tích tác phẩm báo chí để giúp họ đưa ra quyết định bài viết này nên sử dụng ở mức độ nào là hợp lý. Thậm chí họ có thể đưa ra nhận định bài viết cần bổ sung những nội dung gì phù hợp hơn.

Tóm lại, sử dụng AI trong tác nghiệp của báo chí sẽ tương tự với việc điều khiển một phương tiện giao thông mới lưu thông trên đường, mọi thứ đều cần phải học và thực tập làm quen thì mới có thể sử dụng hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Phương Thúy(thực hiện)