Ấn Độ cảnh giác trước thay đổi quân sự của Trung Quốc

Sự hòa dịu tạm thời?

Trung Quốc và Ấn Độ gần đạt được thỏa thuận về việc giải giáp quân đội ở khu vực phía Tây Ladakh và đối thoại về việc xoa dịu căng thẳng trên đường ranh giới kiểm soát thực tế sẽ tiếp tục. Thông tin được đưa ra sau vòng đàm phán biên giới Trung-Ấn lần thứ 12.

Các cuộc đàm phán ở cấp tư lệnh quân đoàn diễn ra hôm 30/7 và tuyên bố chung được công bố hôm 2/8. Cuộc họp kéo dài 9 giờ, tương đối ngắn hơn so với trước đó, thường kéo dài đến 2-3 giờ sáng hôm sau. Điều này có thể cho thấy dường như ngày càng có nhiều sự đồng thuận.

Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành 12 vòng đàm phán cấp Tư lệnh quân đoàn kể từ sau vụ đụng độ tháng 6/2020

Trang Sputnik của Nga dẫn lời chuyên gia Alexei Kupriyanov, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Đối ngoại của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO RAS), nhận xét về kết quả của vòng 12: “Đây là một tin tức rất đáng mừng. Sự lo lắng chung do làn sóng dịch bệnh và sự không chắc chắn đã giảm bớt. Chính phủ Ấn Độ cuối cùng có thể thực hiện các bước bình thường để giải quyết tình hình.

Ông Kupriyanov cũng chú ý đến việc không có giọng điệu cứng rắn trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ khi đưa tin về tình hình trên ranh giới kiểm soát thực tế với Trung Quốc. Trong tình hình này, duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc là một mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế Ấn Độ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dư luận Ấn Độ luôn duy trì một sự cảnh giác cao độ đối với người láng giềng. Tờ Thời báo Ấn Độ mới đây cho đăng tải bài viết đánh giá Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết và Ấn Độ phải thận trọng với ít nhất 4 thay đổi sẽ ảnh hưởng đến tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Theo bài viết, PLA đã kỷ niệm 94 năm thành lập ngày 1/8. Được thành lập năm 1927, PLA đã trở thành lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và không còn là quân đội tập trung tác chiến trên bộ thông thường.

PLA đã tiến hành cải cách để trở thành đội quân được cơ giới hóa hoàn toàn vào năm 2020, được dữ liệu hóa vào năm 2035 và trở thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2049. Tờ báo Ấn Độ cho rằng hiện vẫn chưa có định nghĩa chính xác về một lực lượng tầm cỡ thế giới mà Trung Quốc đưa ra, song có thể hiểu mục tiêu là đưa PLA ngang hàng với các lực lượng vũ trang của Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Ấn Độ.

Hình ảnh tập trận của PLA tại khu vực gần biên giới Ấn Độ được truyền thông Trung Quốc đăng tải hồi tháng 6

Theo tờ Thời báo Ấn Độ, nước này cần thận trọng trước ít nhất 4 thay đổi quan trọng của PLA, trong đó đáng chú ý nhất là cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới. Bộ chỉ huy Quân khu phía Tây của Trung Quốc, Quân khu Tây Tạng và Quân khu Tân Cương chịu trách nhiệm về các hoạt động ở biên giới Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng lưỡng dụng ở khu vực Tây Tạng để chuẩn bị cho các hoạt động tấn công và phòng thủ có thể xảy ra ở biên giới. Điều này bao gồm nâng cấp các đường cao tốc Đông-Tây và Bắc-Nam và xây dựng các tuyến đường phụ để kết nối Lhasa với các thị trấn biên giới.

Kể từ năm 2015, PLA cũng đã đưa vào sử dụng các loại vũ khí mới hơn và tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự để đạt được “tính liên kết và hiệu quả nâng cao”. Tờ báo Ấn Độ nhấn mạnh tới việc PLA có nhiều khả năng thay đổi mạnh mẽ hiện trạng ở biên giới với Ấn Độ trong các cuộc đối đầu vừa qua.

Thập diện mai phục

Thay đổi thứ hai của PLA được Ấn Độ chú ý là chiến lược trên biển của Trung Quốc. Chiến lược Quân sự năm 2013 của Viện Khoa học Quân sự và Sách trắng Quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc yêu cầu PLA chuyển từ “phòng thủ vùng biển gần” sang “phòng thủ vùng biển gần và vùng biển xa”.

Sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đã tăng lên đáng kể trong 2 thập kỷ qua. Nếu như năm 1999, Hải quân PLA (PLAN) không thực hiện một chuyến thăm cảng nào ở Ấn Độ Dương thì kể từ năm 2010, PLAN đã thực hiện gần 20 chuyến thăm cảng mỗi năm. Trung Quốc hiện có khả năng duy trì 18 tàu trong khu vực với một căn cứ tại Djibouti và hướng tới thiết lập một vài cơ sở mới.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ (phải) cùng tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ và tàu chiến Nhật Bản, Australia tập trận Malabar ở Ấn Độ Dương

Thay đổi thứ ba của PLA mà Ấn Độ quan tâm là khả năng chiến tranh tâm lý và không gian mạng. Trung Quốc đã thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA để tăng cường phối hợp giữa các đơn vị phụ trách không gian mạng và điện tử. Lực lượng này chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ chiến tranh thông tin và đối phó điện tử, tấn công mạng và phòng thủ cũng như chiến tranh tâm lý của Trung Quốc.

Thay đổi cuối cùng của PLA được tờ báo Ấn Độ cảnh báo là lực lượng tên lửa củ Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã nâng cấp Quân đoàn Pháo binh thứ hai lên thành Lực lượng tên lửa của PLA vào năm 2015. Các hệ thống tên lửa của lực lượng này và khả năng triển khai các chiến dịch trên không đã trở thành những thành phần quan trọng trong khả năng phát triển sức mạnh mới nổi của Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là đã triển khai khoảng 16 bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 gần biên giới ở Tân Cương trong thời gian diễn ra cuộc xung đột với Ấn Độ ở khu vực biên giới vừa qua. Với tầm tấn công của những tên lửa này, Ấn Độ dường như là một mục tiêu tiềm năng.

Trung Quốc được cho là đã xây dựng hàng trăm hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở khu vực phía Tây đất nước

Ngoài ra, hệ thống tên lửa này có khả năng kép vì chúng có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, tạo ra nguy cơ leo thang nguy hiểm. Cả hai nước đều cam kết với học thuyết "không sử dụng trước", nhưng tờ Thời báo Ấn Độ cho rằng khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo khiêm tốn của Ấn Độ và chính sách hạt nhân mập mờ của Trung Quốc khiến nó trở thành một diễn biến nguy hiểm.

Bên cạnh những điểm chủ yếu trên, tờ báo Ấn Độ còn nhấn mạnh tới việc Trung Quốc đầu tư cho công nghệ quân sự, dữ liệu lớn, máy bay không người lái và các công nghệ gây rối và tấn công khác. Cùng với đó là lưu ý về mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Pakistan với “hàm ý chiến lược và chiến thuật đối với tranh chấp biên giới của Ấn Độ”.

Sau vụ xung đột ở thung lũng Galwan hồi tháng 6/2020, Ấn Độ và Trung Quốc đã duy trì được bầu không khí yên ắng “mong manh” dọc đường kiểm soát thực tế (LAC) - đường biên giới trên thực tế giữa hai nước. Tuy nhiên, trang The Diplomat mới đây cảnh báo bầu không khí này có thể sẽ "tăng nhiệt" trở lại.

Đông Triều