An Giang nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Giang (VH-TT&DL) Nguyễn Khánh Hiệp, thời gian qua, hệ thống thiết chế VH-TT ở cơ sở được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, từng bước được đầu tư xây dựng, hoàn thiện, đạt mục tiêu đề ra. Cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực được quan tâm; kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức hoạt động VH-TT có nhiều thay đổi, phù hợp điều kiện thực tế. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương.

Ngành văn hóa tỉnh thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh An Giang xây dựng và phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế VH-TT ở cơ sở phù hợp quy hoạch chung của cả nước và tỉnh, trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VH-TT ở cơ sở trên địa bàn.

Đồng thời, đề xuất nội dung xây dựng hệ thống thiết chế VH-TT ở cơ sở trong kế hoạch phát triển KTXH hàng năm của tỉnh, địa phương. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm việc tại hệ thống thiết chế VH-TT các cấp… Qua đó, góp phần tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa thiết chế VH-TT các cấp; khai thác và phát huy công năng sử dụng; bảo đảm quản lý đúng hướng và tổ chức hoạt động VHVN, TDTT chất lượng, hiệu quả.

Tỉnh hiện có Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, với 4 trụ sở làm việc. Cấp huyện, thị xã, thành phố có 11 đơn vị, trong đó Trung tâm VH-TT (1 đơn vị), Trung tâm VH-TT và Truyền thanh (8 đơn vị), Trung tâm VH-TT, Du lịch và Truyền thanh (2 đơn vị). Có 93 Trung tâm VH-TT cấp xã, phường, thị trấn (nhà văn hóa); 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh có điểm sinh hoạt VH-TT cộng đồng. Toàn tỉnh có 235 cơ sở, dịch vụ thể thao ngoài công lập; 208 hộ kinh doanh hoạt động TDTT; thành lập 7 liên đoàn thể thao, đang hoạt động.

Về cơ sở vật chất, hạ tầng thể thao, toàn tỉnh hiện có 47 nhà tập luyện, thi đấu đa năng; 3 sân vận động có khán đài, 57 sân không có khán đài; 72 sân bóng đá 11 người; 354 sân bóng đá mi-ni; 404 sân bóng chuyền; 8 sân bóng rổ; 97 sân quần vợt; 5 bể bơi kích thức 50m; 22 bể bơi kích thước 25m; 123 bể bơi lắp ghép, hồ bơi đơn giản; 376 sân tập luyện và thi đấu khác (cầu lông, đá cầu, bóng bàn...). Hệ thống thiết chế VH-TT ngoài ngành, gồm: 2 nhà thiếu nhi cấp tỉnh và huyện do Tỉnh đoàn quản lý (1 tại TP. Long Xuyên, 1 tại huyện Tri Tôn).

Những năm qua, thiết chế VH-TT các cấp đã thực hiện tốt chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ; xây dựng và tổ chức hoạt động VHVN, câu lạc bộ sở thích với nội dung, chương trình ngày càng tinh gọn, đổi mới phương thức, đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng tham gia và thay đổi về nhu cầu, thị hiếu của các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, ngành văn hóa các cấp phối hợp các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT theo hướng trọng tâm và chất lượng; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước, địa phương, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.

“Thông qua việc tổ chức hoạt động tại các thiết chế VH-TT cơ sở đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” – Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.

Thời gian tới, Sở VH-TT&DL An Giang phối hợp các cấp, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động của thiết chế VH-TT các cấp gắn với thực tiễn đời sống tinh thần và nhu cầu người dân, như: Sinh hoạt hưởng thụ VHVN, TDTT rèn luyện thân thể, nhu cầu về thông tin, đọc sách, báo... Xây dựng chương trình, tiết mục hoạt động phong phú, phù hợp đặc điểm dân tộc, vùng, các nhóm đối tượng và lứa tuổi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân, các tổ chức và toàn xã hội về vị trí, vai trò của thiết chế VH-TT trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam cũng như trong phát triển KTXH địa phương.

MINH THƯ