Án Nước ngoài-LuậtViệt Nam: Giả mạo cảnh sát để giúp em gái gian lận thi tốt nghiệp

Án Nước ngoài:

Cử chỉ vụng về “tố” vị cảnh sát rởm

Kỳ thi Chứng chỉ trung học phổ thông (HSC), sự kiện quan trọng nhằm chứng nhận tốt nghiệp đối với học sinh lớp 12 trên khắp bang Maharashtra của Ấn Độ, đã bắt đầu vào ngày 21/2 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 19/3 tới. Ước tính gần 150.000 học sinh toàn bang đang tham dự kỳ thi này.

Truyền thông Ấn Độ mới đây đã đưa tin về vụ gian lận gây chấn động những ngày đầu diễn ra kỳ thi.

Theo hãng thông tấn PTI, Anupam Madan Khandare, 24 tuổi đến điểm thi ở trường trung học Shahbabu Urdu tại thị trấn Patur, bang Maharashtra trong bộ đồng phục cảnh sát kaki. Mục tiêu của anh ta là bí mật chuyển các tài liệu và đáp án cho em gái đang dự thi tại đây nhằm giúp cô vượt qua kỳ thi quyết định này.

Không may cho Khandare, mọi thứ đã diễn ra không theo dự tính. Sau khi Khandare dễ dàng đi vào trong trường Shahbabu Urdu vì ai cũng tưởng anh ta là cảnh sát, nhưng khi chuẩn bị thực hiện âm mưu của mình, anh ta bất ngờ chạm mặt một sĩ quan cảnh sát cấp cao thực sự và nhóm của ông đến đây để thị sát tình hình an ninh điểm thi.

Khi nhìn thấy họ, viên cảnh sát giả đã cố gắng giơ tay chào các “đồng nghiệp”. Tuy nhiên, những cử chỉ vụng về cùng bộ đồng phục với chất lượng may kém, bảng tên không đúng tiêu chuẩn của anh ta ngay lập tức dấy lên nghi ngờ.

Nhóm cảnh sát đã thẩm vấn và lục soát người Khandare, phát hiện trong túi của anh ta nhiều tài liệu không được phép mang vào khu vực thi.

Khandare lập tức bị bắt giam và bị buộc tội giả mạo nhân viên chính phủ. Anh ta đang chờ ngày hầu tòa và có nguy cơ phải lĩnh án tù vì hành vi phạm pháp của mình.

Anupam Madan Khandare khi bị bắt quả tang giả mạo cảnh sát. Ảnh: India Today

Luật Việt Nam:

Mức độ xử phạt tùy theo mục đích của đối tượng giả mạo

Lực lượng vũ trang nhân dân có vai trò cũng như trách nhiệm rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội cũng như bảo đảm cho sự an toàn cho người dân. Vì vậy, hành vi mạo danh công an là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng công an có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi giả danh lực lượng công an không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản: Người có hành vi giả danh lực lượng công an có thể bị xử phạt hành chính trong trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân theo quy định tại khoản 1, Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

Không chỉ bị xử phạt hành chính, người có hành vi giả danh lực lượng công an nhân dân không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù về tội Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trường hợp giả danh lực lượng Công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, tùy vào trị giá tài sản mà người thực hiện hành vi giả danh lực lượng công an chiếm đoạt được hoặc gây thiệt hại đến tổ chức, cá nhân khác để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu bị xử lý hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy; Cứu nạn, cứu hộ; Phòng chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, người bị xử phạt còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Người có hành vi giả danh lực lượng Công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà người phạm tội có thể sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất đó là tù chung thân.

Trong vụ việc trên, Khandare đã có hành vi giả mạo cảnh sát nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Với hành vi sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân, theo quy định đã nêu ở trên, Khandare có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Luật pháp Việt Nam không có tội Giả mạo nhân viên Chính phủ nhưng có tội danh Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác. Tội Giả mạo chức cụ, cấp bậc, vị trí công tác là hành vi của một người không có chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác nhưng lại mạo danh là mình có chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác nào đó để thực hiện hành vi trái pháp luật. Ở đây, Khandare không phải là cảnh sát nhưng lại đóng giả cảnh sát để vào khu vực tổ chức thi. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, anh ta có thể thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Bên cạnh hành vi giả mạo cảnh sát, Khandare còn mang nhiều tài liệu không được phép mang vào khu vực thi hòng giúp em gái gian lận thi cử.

Chiếu theo quy định tại Điều 22 Luật Giáo dục 2019, thì gian lận thi cử cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; Mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi, Khandare có thể bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thi.

Ở mức độ nặng hơn, hành vi gian lận trong thi cử có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ hoặc tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại Điều 356 và 358 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ánh Dương (Thực hiện)