Ấn tượng Việt Nam sau 35 năm đổi mới

Diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ sau 35 năm đổi mới. Nguồn: Internet

Một trong những thành tựu quan trọng về kinh tế trong 35 năm đổi mới cần phải kể đến là việc hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống pháp luật về kinh tế. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi và ban hành nhằm vận hành một cách đồng bộ và thông suốt các yếu tố thị trường và các loại thị trường, trên cơ sở những nguyên tắc cơ chế thị trường; đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường; mở cửa, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Nhờ đó, các yếu tố thị trường và các loại thị trường như thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, lao động, khoa học-công nghệ, thị trường một số loại dịch vụ công cơ bản… đã có bước phát triển và hoàn thiện về quy mô, cơ cấu hàng hóa, dịch vụ, đối tượng tham gia…

Việc hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với những chính sách bổ trợ đi kèm đã tạo đòn bẩy cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện trên nhiều mặt, khi giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; gia tăng hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity) vào tăng trưởng đạt 45,2% giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Nhờ những nỗ lực đổi mới trong 35 năm qua, cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, nhờ đó, đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư ngoài Nhà nước đạt tỷ trọng 45,8%.

Hiệu quả đầu tư được nâng lên khi hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) đạt 6,1 trong giai đoạn 2016-2019. Cơ cấu kinh tế, các thành phần kinh tế, lao động và hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, tích cực và cải thiện đáng kể. Một trong những điểm nhấn là tăng trưởng xuất khẩu thường xuyên đạt tốc độ hai con số, giai đoạn 2016-2019 tăng đến 13,1%/năm, với tỷ trọng sản phẩm công nghiệp tăng dần và tỷ trọng sản phẩm thô giảm dần.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, sự hình thành và phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm (Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long), các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung đã trở thành động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước, nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, thông tin, viễn thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, đã tạo những tiền đề để bước đầu chuyển sang xây dựng kinh tế tri thức. Tài nguyên quốc gia được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn, gắn với bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển bền vững.

Kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, từ mức bình quân 4,4% sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) lên 5,9% giai đoạn 2016-2020.

Thành tựu quan trọng của 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, là bộ máy quản lý Nhà nước đã và đang được điều chỉnh theo hướng tinh giản, chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế cũng được đổi mới cả trong nhận thức và thực hiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Vai trò của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong nền kinh tế không ngừng được nâng cao và phát huy. Cùng với đó, việc phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường luôn đi song hành với nhau và cơ bản gắn kết hài hòa với tăng trưởng kinh tế.

Một trong những trọng tâm trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước ta những năm qua là thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục… nhằm hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

35 năm đổi mới cũng đánh dấu một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế.

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương đã có hiệu lực; 2 FTA chưa phê chuẩn, sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán. Việc tham gia ký kết và đàm phán tham gia các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, thúc đẩy tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyễn Quang Huy