Ảnh hưởng bởi Covid, doanh nghiệp FDI hạn chế mở rộng hoạt động kinh doanh

Doanh nghiệp nước ngoài thận trọng tăng vốn

Sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2012-2013

Điều tra doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường niên của Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 cho thấy, năm 2020, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

TĂNG VỐN THẬN TRỌNG HƠN

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra thận trọng hơn trong việc tăng quy mô vốn đầu tư.

Theo kết quả điều tra, chỉ có 8% doanh nghiệp nước ngoài cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2020 so với mức 10% của năm 2019. Những con số này đều giảm so với mức đỉnh 13% của năm 2017. Tương tự, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài tăng quy mô lao động sụt giảm xuống 55% so với mức 62% của năm 2019.

Song vẫn có hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có tăng quy mô lao động. Điều này cho thấy họ tin tưởng vào các nỗ lực kiềm chế sự lây lan đại dịch của Chính phủ và các tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam.

Dịch bệnh khiến tình hình kinh tế trở nên bất trắc và tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động cũng như triển vọng phát triển của doanh nghiệp nước ngoài. Nhiệt kế doanh nghiệp nước ngoài cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh đã giảm hơn 12 điểm phần trăm, từ 53% năm 2019 xuống 40,8% năm 2020. zz

Sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2012-2013.

Tác động mang tính toàn cầu của đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu dường như bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các doanh nghiệp chỉ tập trung thị trường nội địa (không xuất khẩu).

Với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch tăng quy mô tại Việt Nam đã giảm từ 56,4% xuống 41,5%, tức giảm gần 15 điểm phần trăm. Trong khi đó, con số tương ứng ở nhóm doanh nghiệp không xuất khẩu là 10%.

Chỉ có 40,2% doanh nghiệp không xuất khẩu trong mẫu điều tra cho biết họ dự định tăng quy mô kinh doanh trong năm 2020, so với 50,1% năm 2019.

Tuy nhiên, tại thời điểm trước đại dịch, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dường như khá chắc chắn về kế hoạch mở rộng so với nhóm doanh nghiệp không xuất khẩu. Nhưng sau các diễn biến phức tạp của dịch, mức độ lạc quan của cả hai nhóm đã rơi xuống mức thấp gần như bằng nhau.

47% DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI BÁO LỖ

Tác động của dịch thể hiện rõ trên số liệu về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI. Trong khi năm 2019 phần lớn doanh nghiệp nước ngoài hoạt động có lãi thì năm 2020, con số này chỉ còn là 43%.

Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ cũng tăng mạnh, từ 34% năm 2019 lên đến 47% năm 2020. Năm 2020 cũng là năm ghi nhận hiệu quả hoạt động kém nhất của khối doanh nghiệp nước ngoài trong suốt những năm điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Dịch bệnh gần như đã làm gián đoạn hầu hết các hoạt động kinh tế.

Doanh thu trung vị của các doanh nghiệp nước ngoài cũng sụt giảm từ 0,93 triệu USD năm 2019 xuống chỉ còn 0,67 triệu USD – mức thấp nhất kể từ năm 2012. Chi phí trung vị của khối này cũng giảm xuống 1,28 triệu USD so với 1,51 triệu USD năm 2019.

Khảo sát cũng cho thấy, COVID-19 có tác động không đồng đều đối với các doanh nghiệp nước ngoài thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau. Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo là nhóm bị tác động nặng nhất. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sụt giảm mạnh từ 56,2% năm 2019 xuống 41,2% năm 2020.

Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo là nhóm bị tác động nặng nhất. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sụt giảm mạnh từ 56,2% năm 2019 xuống 41,2% năm 2020.

Đứng thứ hai là lĩnh vực dịch vụ, thương mại, với mức sụt giảm 11,1 điểm phần trăm. Các phát hiện này không ngoài dự đoán, bởi tính chất của các ngành dịch vụ thương mại là doanh nghiệp trong các lĩnh vực này phụ thuộc nhiều vào các chuỗi cung ứng có tính linh hoạt, sử dụng số lượng lớn lao động. Bên cạnh đó, các giao dịch trong các ngành này chủ yếu theo hình thức trực tiếp.

So với các lĩnh vực trên, doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp ít bị ảnh hưởng hơn. Mặc dù triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp cũng giảm đáng kể từ 58,7% xuống 40,7%.

Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nằm trong các chuỗi cung ứng đa quốc gia, do đó họ chủ yếu hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế và các liên kết thương mại này có lẽ đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Vũ Khuê