Áp lực thành tích

Áp lực ấy là vô hình. Thế nhưng nó lại có ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý của tuyển thủ khi ra tranh tài. Ngay sau khi kết thúc nội dung 1.500m tại ASIAD 19, ngay tại hồ bơi, Huy Hoàng chia sẻ thật lòng rằng mình đã gặp áp lực thật sự bởi thi đấu trong vị thế từng giành được HCB nội dung ở ASIAD 18 cũng như được người hâm mộ kì vọng nhiều. Huy Hoàng bảo rằng, khi biết được mình bị đối thủ Nhật Bản vượt lên ở những mét cuối chặng đua và bị thua không giành được vị trí thứ 3 (sẽ có HCĐ) thì thật sự buồn.

Tối 26-9, những người quan tâm thể thao trong cả nước đều tập trung chú ý vào chung kết cự ly 1.500m tự do của ASIAD 19 và ai nấy đều chờ đợi Huy Hoàng thành công. Ngay tại Hàng Châu (Trung Quốc), lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam cũng dõi theo cuộc đấu của nam tuyển thủ người Quảng Bình bởi trong tất cả các VĐV bơi của Việt Nam dự ASIAD 19 này, Huy Hoàng triển vọng có thành tích huy chương nhất. Kết quả không như chờ đợi. Không ai trách móc Huy Hoàng nhưng rõ ràng, như tuyển thủ đã chia sẻ thì áp lực với mình là quá lớn. Mọi người tiếp tục chờ một sự thành công cho Hoàng tại cự ly quan trọng 800m tự do còn lại dù khả năng tranh chấp không cao.

Nếu hỏi rằng đội bơi chủ nhà Trung Quốc có áp lực giành thành tích tại ASIAD 19 hay không. Câu trả lời là có. Đội tuyển bơi chủ nhà giữ kín mọi thông tin trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, chứng kiến trực tiếp trên khán đài của hồ bơi ASIAD 19 có sự hiện diện của đội ngũ chuyên gia nước ngoài của đội tuyển bơi Trung Quốc đã thấy rằng, thuê chuyên gia chính là để hiện thực cơ hội giành huy chương (theo tiết lộ, trong đội ngũ chuyên gia của đội bơi Trung Quốc có chuyên gia từng huấn luyện tuyển thủ Schooling của Singapore trước đây). Khi có những sự chuẩn bị kết hợp với tuyển thủ có khả năng, đội bơi chủ nhà giành được những tấm HCV và có sự cổ vũ của khán giả nhà, giải tỏa được nhiều áp lực về huy chương.

Chuyên gia của đội tuyển bơi Trung Quốc luôn có mặt trên khán đài theo dõi VĐV thi đấu. Ảnh: MINH MINH

Không riêng Nguyễn Huy Hoàng, các đồng nghiệp của đội bơi Singapore cũng đang áp lực về thành tích đáng kể bởi đây là đội tuyển bơi mạnh nhất Đông Nam Á nhưng qua ba ngày đầu tiên tại ASIAD 19 vẫn chưa có tuyển thủ giành được huy chương trong môn này. Bơi lội Singapore có HCV trong các kì ASIAD năm 2010, 2014 và 2018 nên chắc chắn các kình ngư của đảo quốc sư tử không thể không sốt ruột khi chưa giành được kết quả huy chương. Chúng ta hiểu rằng việc kì vọng lớn ở Huy Hoàng hay Ánh Viên trước đây cũng bởi câu chuyện “so bó đũa chọn cột cờ”. Nghĩa là, chúng ta không có nhiều tuyển thủ đẳng cấp để chọn lựa cho cuộc đấu ASIAD. Bơi Việt Nam rất khó có được tài năng xuất chúng do thế khi một tuyển thủ đủ khả năng tranh chấp tại SEA Games, ASIAD là tất cả cùng dõi theo đặt niềm tin vào họ chờ đợi giành huy chương.

Nếu bơi Việt Nam có lực lượng hùng hậu mà bất cứ tuyển thủ nào xuống nước cũng đủ khả năng tranh được huy chương thì hẳn nhiên vấn đề áp lực thành tích là không có và tất cả cùng thoải mái bơi để thể hiện mình. Chắc chắn sau ASIAD 19, bài toán về đầu tư và tìm, phát triển tuyển thủ bơi đối với chương trình tập huấn tập luyện phù hợp nhất và đạt được thành tích huy chương ra sao tiếp tục được phân tích và có lời giải phù hợp. Trên hết, bơi Việt Nam phải có nguồn lực đầu tư nhiều tiền để thuê chuyên gia chuyên biệt, đầu tư cho tuyển thủ quan trọng (không chỉ việc cử tập huấn mà còn là dinh dưỡng, đầu tư thể lực...) thì việc đạt chuyên môn hiệu quả sẽ rõ rệt.

MINH CHIẾN