Bài 1: Người nổi tiếng 'tiếp tay' quảng cáo sản phẩm kém chất lượng?

Loạn quảng cáo từ người nổi tiếng

Sự bùng nổ của thương mại điện tử với đa dạng các kênh truyền thông nên số lượng nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo, làm đại diện thương hiệu cho các nhãn hàng đang trở nên ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, sự bùng nổ ngày càng nóng đặc biệt qua kênh mạng xã hội khiến nhiều nghệ sỹ, người nổi tiếng cũng dễ dãi quảng cáo cho các sản phẩm mà không có chọn lọc, “thượng vàng hạ cám” từ các loại thuốc trị ung thư, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thẩm mỹ viện, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, điện tử…

Hàng loạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các nhãn hàng trên mạng xã hội.

Điển hình như nghệ sỹ T.H được nhiều hãng mỹ phẩm có nguồn gốc trong nước, xách tay… săn đón để livestream quảng cáo giới thiệu vào những khung giờ vàng, thậm chí, cùng một lúc nghệ sỹ này chạy sô “lên sóng” facebook cho 2 thương hiệu khác nhau… Hay như trường hợp nghệ sỹ hài B.L được giới mạng xã hội đặt cho biệt danh “ông hoàng livestream”, khi nghệ sỹ này livestream bán hàng không biết mệt mỏi trong tất cả các khung giờ trên mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng cho một số sản phẩm có nguồn gốc xách tay.

Có nghệ sĩ cho biết đang nhận quảng cáo cho hơn 300 mặt hàng, trung bình mỗi ngày livestream một đến hai lần, đỉnh điểm có khi bảy lần với lượt tương tác hàng chục nghìn người. Dựa vào lợi thế là người của công chúng với số lượng fan hâm mộ theo dõi lớn nên họ công khai quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm nào trên trang cá nhân.

Diễn viên C.T quảng cáo cho một nhãn hàng tăng, giảm cân có chứa chất cấm.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Hạnh – chuyên viết bài PR cho các nhãn hàng chia sẻ, chị từng được thuê viết quảng cáo cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối các sản phẩm tăng, giảm cân trên thị trường. Trong quá trình viết bài, chị được cung cấp nhiều hình ảnh diễn viên, ca sĩ chụp cùng sản phẩm để sử dụng làm tư liệu.

Theo lời chị Hạnh, những người này có thể chưa từng dùng qua sản phẩm nhưng lại có nghề diễn đạt nên thỏa sức tung hô về công dụng sản phẩm để lôi kéo khách hàng. Chỉ khi báo chí đăng tải thông tin bóc trần sự thật về bộ sản phẩm tăng, giảm cân chứa chất cấm mới thực sự hoảng hốt.

Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam Online, hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội, hình ảnh người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm đang ngày càng sôi động hơn, cùng lúc họ quảng cáo cho nhiều mặt hàng giống nhau và chung mô tip đã dùng sản phẩm đạt hiệu quả tốt mới giới thiệu để mọi người cùng dùng. Qua đó cho thấy, góc khuất của việc nghệ sĩ lạm dụng danh tiếng cá nhân tham gia quảng cáo cho các nhãn hàng là đang tiếp tay cho sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng giả hàng nhái của không ít cơ sở.

Hệ lụy tin quảng cáo từ người nổi tiếng

Nếu như trên báo chí, truyền hình, việc quảng cáo được siết chặt thì trên mạng xã hội, việc này khó có thể kiểm soát và kiểm chứng. Thế nên, chỉ đến khi những vụ việc “bóc phốt”, tai biến dịch vụ làm đẹp do mỹ phẩm gây ra được đăng tải rộng rãi người dùng mới tá hỏa nhận ra.

Trường hợp của một người có trang cá nhân tên Đ.T.M vừa chia sẻ rộng rãi trên một nhóm công khai với nội dung đầy bức xúc như sau: “Chuyên mục bóc phốt Detoxblanc: Nào là quảng cáo rậm rộ… Nào là các diễn viên dựa vào danh tiếng để PR cho sản phẩm lên tận chân mây…”.

Một hội nhóm bốc phốt sản phẩm Detoxblanc do người nổi tiếng quảng cáo.

Hoặc đơn cử một cá nhân khác bình luận cảnh báo: “Mua mỹ phẩm của hãng nổi tiếng chứ đừng mua mỹ phẩm của người nổi tiếng quảng cáo. Người ta PR cho sản phẩm chưa chắc người ta sử dụng sản phẩm đang quảng cáo”…

Bác sĩ Đỗ Tuyến – Bệnh Viện Da liễu Trung ương chia sẻ, thông tin bệnh nhân đến khám với bộ mặt “tan nát” kèm mụn chi chít, rát ngứa, mang theo bộ mỹ phẩm đang được dân mạng truyền tai nhau dùng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng hiện tại, kèm theo là hình ảnh bộ mỹ phẩm để cảnh cáo người tiêu dùng. “Mình định im lặng nhưng thấy bạn bè từng có một số người hỏi về hãng này nên quyết định lên tiếng”, bác sỹ Tuyến cho biết.

Thậm chí, có những người đã gặp họa vì mua và dùng thực phẩm chức năng bán trên internet mà bỏ qua cơ hội vàng điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc những tai biến nghiêm trọng từ các dịch vụ, sản phẩm làm đẹp được những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí quảng bá tràn lan.

Một ví dụ khác, anh L.H.C (Cầu Giấy, Hà Nội) từng phản ánh, qua quảng cáo trên mạng do một số nghệ sỹ giới thiệu tin dùng nên anh mua một liệu trình trà thảo mộc tăng cân Cường Anh. Sau một liệu trình không những không tăng cân mà còn cảm giác mệt mỏi, chán ăn và lúc nào cũng trong tình trạng cơ thể rã rời. Từ ngày dùng sản phẩm trên, anh C. luôn trong tình trạng mệt mỏi mà cân nặng không thấy, trái lại cảm giác chán ăn, ăn không ngon, quá sợ hãi nên anh đã ngừng sử dụng thuốc sau khi hết gần một liệu trình. Sau đó anh C gặp bác sĩ tư vấn và được biết, phản ứng thuốc, buồn ngủ là do bệnh lý chứ không phải sinh lý, và chỉ khi ngưng sử dụng một thời gian cơ thể anh mới cân bằng trở lại.

Khảo sát tại một số hội nhóm “bóc phốt” trên mạng Facebook, đa số khách hàng thừa nhận đều bị “thôi miên” bằng những ngôn từ quảng cáo rồi mua sản phẩm mà không chú ý đến công dụng, nguồn gốc xuất xứ… Chỉ khi lãnh hậu quả, họ mới té ngửa bị lừa và rút kinh nghiệm.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với cơ quan chức năng trong kiểm soát hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, cần có biện pháp nghiêm khắc xử lý những người nổi tiếng cố tình quảng bá cho sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng sản phẩm nào đó qua mạng xã hội.

(Còn nữa)

Nguyễn Hương