Bàn cách tu bổ, tôn tạo bức phù điêu 'Bắt sống phi công Mỹ John McCain'

Tham dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy à Nội Phạm Quang Nghị; đại diện các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, họa sĩ, kiến trúc sư...

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại hội thảo.

Từ tháng 5 đến tháng 10-1967, không lực Hoa Kỳ đã tổ chức 5 đợt tấn công vào Nhà máy điện Yên Phụ nhằm cắt nguồn cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hàng chục máy bay cùng binh sĩ Mỹ, trong đó có John McCain đã tấn công vào nhà máy, song đã bị bộ đội Việt Nam bắn rơi và bắt sống.

Để ghi nhớ sự kiện này, tại hè đường Thanh Niên, giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), bức phù điêu “Bắt sống phi công Mỹ John McCain" được xây dựng năm 1967.

Viên phi công, sau chiến tranh là Thượng nghị sĩ John McCain, người có công trong việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, những năm qua, UBND quận Tây Hồ đã có nhiều cố gắng trong việc bảo quản bức phù điêu, chỉnh trang hệ thống hạ tầng xung quanh khu lưu niệm tại đường Thanh Niên, phường Yên Phụ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, bức phù điêu “Bắt sống phi công Mỹ John McCain" có dấu hiệu bị xuống cấp.

“Với tinh thần cầu thị, chúng tôi mong nhận được những ý kiến để có thể triển khai việc chỉnh trang, tu bổ bức phù điêu, tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy giá trị, nâng cao nhận thức của nhân dân về chiến công hiển hách của quân dân ta trong bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tôn vinh tinh thần yêu chuộng hòa bình, lòng bác ái của nhân dân Việt Nam và hướng tới xây dựng tương lai hòa bình, ổn định, phát triển cho Việt Nam và tất cả quốc gia trên thế giới”, ông Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ hơn sự kiện quân và dân Thủ đô Hà Nội bắt sống phi công John McCain, người đã lái máy bay A4 bị bắn rơi tại khu vực Nhà máy điện Yên Phụ; những giải pháp tu bổ, chỉnh trang phần phù điêu liên quan đến mỹ thuật, bảo tồn, chất liệu; giải pháp vận hành, duy tu, bảo dưỡng.

Trong đó, kiến trúc sư Trường Thành cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo bức phù điêu cần được nghiên cứu, xem xét có thể điều chỉnh về thẩm mỹ, chất liệu để khẳng định chứng tích lịch sử, thể hiện sự ghi nhận của nhân dân Thủ đô với người bạn quý từng là cựu thù.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị góp ý kiến tại hội thảo.

Nêu ý nghĩa của bức phù điêu, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, đây là hình ảnh lưu chiến công của quân và dân Thủ đô Hà Nội; việc tôn tạo, tu bổ bức phù điêu là để quản lý và giữ gìn, phát huy giá trị địa điểm lưu niệm, sự kiện; đáp ứng yêu cầu về lịch sử, ý nghĩa chính trị, ngoại giao...

Kết thúc hội thảo, Ban tổ chức đã tiếp thu các ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, họa sĩ, kiến trúc sư…; đồng thời khẳng định, các ý kiến là căn cứ để sớm thực hiện việc chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo bức phù điêu đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, quy định về hoạt động mỹ thuật, góp phần phát huy giá trị địa điểm lưu niệm sự kiện, xứng tầm công trình kỷ niệm cho quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.