Ban hành Thông tư quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao

Ảnh minh họa. (Nguồn: lsvn.vn)

Thông tư gồm 06 chương, 25 điều quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao (bao gồm: Giáo dục, truyền thông; Kiểm tra doping; Quản lý kết quả; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping); Công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao được thực hiện theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới và quy định phòng, chống doping của Việt Nam.

Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư bao gồm: Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể thao, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thể thao tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động thể thao tại nước ngoài.

Về nguyên tắc phòng, chống doping trong hoạt động thể thao, Thông tư quy định rõ: Hoạt động phòng, chống doping được tổ chức thường xuyên, bảo đảm vận động viên được tập luyện và thi đấu trong môi trường thể thao không doping; Bảo đảm tuân thủ các quy định của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới, các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng, chống doping trong hoạt động thể thao; Có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động thể thao trong nước và nước ngoài trong phòng, chống doping; Bảo đảm vận động viên được giáo dục, truyền thông đầy đủ về kiến thức phòng, chống doping; Tôn trọng tính độc lập, không can thiệp vào quyết định và hoạt động chuyên môn của Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam phù hợp với quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.

Về các hành vi vi phạm Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, Thông tư nêu rõ: Có chất bị cấm, chất chuyển hóa hoặc chất đánh dấu của chất bị cấm trong mẫu xét nghiệm của vận động viên; Sử dụng hay cố tình sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm; Lảng tránh, từ chối hoặc bỏ lỡ việc lấy mẫu thử mà không phải vì lý do bất khả kháng sau khi có thông báo; Vi phạm các yêu cầu liên quan đến sự có mặt của vận động viên để kiểm tra doping ngoài thi đấu; Làm sai lệch hoặc gây cản trở đối với bất kỳ công đoạn nào của việc kiểm tra doping; Sở hữu chất bị cấm hoặc phư ng pháp bị cấm; Buôn bán chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm; Cho vận động viên uống, sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm trong thi đấu hoặc ngoài thi đấu; hỗ trợ, khuyến khích, giúp sức, sai khiến, bao che hoặc dính líu đến bất kỳ hành vi đồng lõa nào khác vi phạm quy định về phòng, chống doping;…

Cùng với đó, Thông tư cũng quy định rõ về thẩm quyền kiểm tra doping (Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có quyền kiểm tra doping đối với mọi vận động viên theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới; Cơ quan quản lý vận động viên, Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao đề nghị Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam kiểm tra doping vận động viên trong trường hợp cần thiết theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới; Trong trường hợp các Liên đoàn thể thao quốc tế ủy quyền hoặc yêu cầu kiểm tra doping, Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam phối hợp với các Liên đoàn thể thao liên quan thực hiện kiểm tra doping theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, tiêu chuẩn quốc); Lấy mẫu kiểm tra doping (Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping đồng thời bảo đảm quy trình lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu tuân thủ các quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan; Người lấy mẫu kiểm tra doping phải qua tập huấn và có chứng nhận theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và tiêu chuẩn quốc tế có liên quan); Thông báo kết quả mẫu xét nghiệm kiểm tra doping (Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xét nghiệm doping, Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam thông báo bằng văn bản kết quả xét nghiệm đến Cục Thể dục thể thao; Cơ quan, tổ chức đề nghị kiểm tra doping, vận động viên, đơn vị quản lý vận động viên. Đối với các vận động viên có kết quả phân tích mẫu nghi ngờ vi phạm doping, việc thông báo kết quả thực hiện theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế liên quan).

Ngoài ra, Thông tư còn quy định về giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống doping; Quản lý kết quả kiểm tra doping; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 7 năm 2024.

Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao; Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành./.

PV