Bảo hiểm hưu trí bổ sung được thực hiện thế nào?

Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết hoạt động, quản lý, đầu tư bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Bộ Tài chính nêu rõ hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện mới hoạt động từ năm 2021 và có 10 quỹ do 4 doanh nghiệp quản lý được cấp phép, tổng tài sản khoảng 850 tỷ đồng.

Gần đây, số người có thu nhập cao tăng nhanh song mức lương tháng làm căn cứ đóng ảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa không quá 20 lần lương tháng cơ sở, tương ứng 36 triệu đồng (hết năm 2023).

Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết hoạt động, quản lý, đầu tư bảo hiểm hưu trí bổ sung. Ảnh minh họa: Một điểm chi trả lương hưu. Ảnh: TTXVN

Như vậy, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có nhu cầu hưởng lương hưu cao có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện, song doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khó mở rộng sản phẩm.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam vận hành, cung cấp dịch vụ hưu trí bổ sung sẽ đạt nhiều mục đích cả về an sinh xã hội cũng như lợi nhuận.

Ngoài ra, nếu để doanh nghiệp triển khai, trường hợp xảy ra rủi ro có thể khiến người tham gia phản ứng, biểu tình, mất an ninh trật tự.

Bộ Tài chính nhấn mạnh lại việc giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ đảm bảo an toàn, phù hợp với thực tế, song vẫn phải tuân theo nguyên tắc thị trường như cơ chế đóng hưởng.

Ví dụ, số dư tài khoản hưu trí cá nhân lớn thì chi trả lớn và ngược lại. Nhà nước không hỗ trợ, không đảm bảo mức chi trả từ bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Việc đầu tư hướng vào tài sản an toàn, tỷ suất sinh lời thấp như trái phiếu Chính phủ hoặc tài sản có tỷ suất sinh lời cao như chứng khoán niêm yết theo quy định.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.