Barca và La Liga thời hậu Messi sẽ ra sao?

Đại diện xứ Catalonia bất lực trong việc giữ chân Lionel Messi ở lại sân Nou Camp. Vậy tương lai đội bóng cùng với giải La Liga sau khi Messi ra đi sẽ ảm đạm hay ngược lại?

3 năm trước, Cristiano Ronaldo cũng chia tay Real Madrid, để tới Juventus ở Serie A.

Ai đáng trách trong việc Messi ra đi?

Không ai có thể trách Messi vì anh tình nguyện giảm 50% để tiếp tục gắn bó với đội bóng. Kể cả khi Leo ở lại với số lương giảm này, tổng chi mua cầu thủ và trả lương của Barca vẫn ở mức 110% so với thu nhập.

Siêu sao người Argentian ra đi, tổng chi trên tổng thu vẫn là 95%, trong khi quy định của ban tổ chức La Liga chỉ là 70%.

Có một quy định nữa của La Liga là nếu bán và cắt giảm lương của các cầu thủ trong mùa hè này được một khoản, thì sẽ được dùng 25% khoản đó để trả lương cho cầu thủ mới, mà không cần phải tuân thủ quy định 70% trên.

Ví dụ, Barca đẩy đi Francisco Trincao, Junior Firpo, Carles Alena, Jean Clair Todibo và thu về 30 triệu euro trong hè này. Họ sẽ được lấy 25% của 30 triệu đó, tức là 7,5 triệu euro để trả lương cho cầu thủ mới. Nhưng 7,5 triệu euro quá ít ỏi để góp phần giữ chân Messi.

Có nguồn tin cho rằng Messi tỏ ý sẵn sàng không nhận lương để ở lại Barca, nhưng do CLB không đề cập đến việc này nên khả năng ấy chìm đi.

Thực tế, luật lao động Tây Ban Nha không cho phép chủ lao động ký hợp đồng mới với người lao động ở mức lương dưới 50% so với hợp đồng cũ. Điều luật này nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Vì vậy, việc Messi tình nguyện không nhận lương không áp dụng được.

Có những chỉ trích hướng tới các cầu thủ như Philippe Coutinho, Antoine Griezmann, Miralem Pjanic, Samuel Umtiti, Ousmane Dembele không chịu ra đi, khiến Barca không đủ tiền giữ Messi ở lại. Đây là những chỉ trích nặng về cảm tính.

Thứ nhất, không có CLB nào tha thiết mua những gương mặt trên. Thứ hai, họ là những người có hợp đồng rõ ràng, được pháp luật bảo vệ. Griezmann, Pjanic... không việc gì phải hy sinh quyền lợi bản thân, để giúp đội bóng có sự phục vụ của người khác. Ngay cả khi họ không còn hữu ích, thì Barca vẫn phải tôn trọng hợp đồng đã ký.

Vậy thủ phạm là cựu Chủ tịch Josep Maria Bartomeu và ban lãnh đạo cũ, những người khiến Barca lâm vào cảnh nợ nần 1,3 tỉ euro, bởi “vung tay quá trán” trong những năm qua?

Câu trả lời là cũng không hẳn vậy.

Trong 6 năm ông Bartomeu ngồi ghế chủ tịch từ tháng 1/2014, Barca đã 4 lần vô địch Liga, giành 4 cúp Copa del Rey, 1 lần vô địch Champions League và 1 lần vô địch FIFA Club World Cup. Đó là một bảng thành tích tốt.

Đã không có những cơ chế kiểm soát thích đáng trong việc ông Bartomeu chi tiền trên thị trường chuyển nhượng, tăng lương vô tội vạ, làm mất cân đối tài chính. Còn nếu Bartomeu gian lận, biển thủ thì đã có các cơ quan pháp luật Tây Ban Nha làm việc.

Vậy nên lỗi trong việc Barca phải chia tay Messi nằm ở tính hệ thống, đã tồn tại lâu dài.

Messi, Neymar lần lượt rời Barca, để tới PSG. Ảnh: Reuters.

Joan Laporta là ngụy quân tử?

Mùa hè năm ngoái, Messi thể hiện ý định ra đi mạnh nhất. Để anh ra đi khi đó, Barca còn thu được tiền chuyển nhượng.

Nhưng có lẽ một tín hiệu từ Laporta khiến Leo ở lại. Số 10 trở thành con bài chiến lược giúp Laporta đắc cử chức chủ tịch Barca.

Nếu muốn gia hạn hợp đồng mới với Messi, thì Laporta phải làm việc từ ngay khi mùa bóng trước chưa kết thúc. Các cầu thủ ký hợp đồng trước ngày 1/7 sẽ được coi là những cầu thủ cũ, không bị vướng vào quy định về tài chính của La Liga.

Laporta giải thích việc không thể ký hợp đồng với Messi rằng lúc đầu bản thân “tưởng” Barca chỉ lỗ 200 triệu euro mùa bóng trước. Nhưng sau đó, ông nhận ra CLB lỗ 487 triệu euro.

Lý lẽ này rất vô lý. Một chủ tịch mới khi tiếp quản CLB phải kiểm đếm các con số tài chính đầu tiên. Laporta không phải cứ “tưởng”, rồi sau đó giật mình “hóa ra không phải”.

Nếu muốn ký với Messi, Laporta khởi động việc bán Griezmann, Dembele, Coutinho ngay từ cuối mùa bóng trước. Khi mọi con số be bét còn đang còn nằm trong vùng “trùm mền”, Barca dễ bán cầu thủ hơn.

Nếu biết tình trạng tài chính be bét, Barca không chiêu mộ các cầu thủ mới như Eric Garcia, Sergio Aguero, Memphis Depay, Emerson Royale nữa.

Và hãy để ý rằng Barca cùng Real Madrid là hai đội bóng phản đối việc La Liga bán 10% quyền khai thác thương mại cho quỹ đầu tư Mỹ CVC Capital Partners. Nếu hợp đồng này hoàn tất, Barca có 280 triệu euro trong 3 năm tới.

Nhưng Laporta biết về lâu dài thì đây sẽ là một thiệt hại với Barca. Các CLB Liga khác có lợi nhưng đội chủ sân Camp Nou thì không. Rõ ràng, một chuỗi “bị động có chủ ý” như vậy cho thấy Laporta không mặn mà với Messi.

Chủ tịch Laporta của Barca được cho là không còn mặn mà giữ Messi. Vì vậy, ông chấp nhận để cầu thủ ngôi sao ra đi. Ảnh: Reuters.

Barca các mùa bóng tới thế nào?

Nhưng cũng cần thấu hiểu cho Laporta. Xuất thân luật sư, ông thiên về lý trí.

Laporta cũng nặng tình cảm với Messi. Tuy nhiên, ông coi CLB quan trọng hơn. Chính Laporta sắm vai kiến trúc sư đưa Barca trở lại hùng mạnh khi làm chủ tịch giai đoạn 2003-2010.

Với gánh nặng nợ 1,3 tỷ euro, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới của Laporta là phải quét sạch khoản nợ này. Tháng 1 năm nay, tờ El Mundo tiết lộ hợp đồng cũ của Messi là 555 triệu euro trong 4 năm, một khoản tiền quá lớn để Laporta phải ra quyết định phải hy sinh Leo.

Một báo cáo tài chính khác từ nhóm nghiên cứu tài chính Ciria ở Anh cho biết 3 năm cuối hợp đồng trước của Messi khiến Barca tiêu tốn 383 triệu euro, nhưng cũng giúp cho CLB thu được 620 triệu euro.

Theo một báo cáo gần đây của Brand Finance, Messi ra đi khiến Barca mất 137 triệu euro giá trị thương hiệu. Thêm vào nữa, họ bị "bốc hơi" 17 triệu euro thu nhập từ các ngày thi đấu, 43 triệu euro từ bán áo và đồ lưu niệm, 77 triệu euro từ các hoạt động thương mại khác.

Nhưng những con số chỉ là phỏng đoán. Con số thực nằm ở sân Nou Camp. Và người biết rõ nhất là Laporta.

Những con số thu nhập là tính khi Messi khoác áo Barca, tức phải nghĩ đến chính thương hiệu của CLB, chứ không phải của riêng Leo làm ra. Những con số cũng chỉ tương đối. Còn tiền trả cho Messi là con số tuyệt đối. Không thể so con số tương đối với con số tuyệt đối.

Cắt giảm được Messi là tiền đề để cắt giảm lương của tất cả cầu thủ Barca, đưa tài chính của Barca đi vào quỹ đạo lành mạnh hơn.

Bài học lớn nhất cho Barca là AC Milan. Từ khi ông Silvio Berlusconi không mặn mà bơm tiền vào CLB, họ vô địch năm 2004, rồi 7 năm sau (2011 - PV) mới có Scudetto.

Và từ đó đến nay, Milan trắng tay. Trong giai đoạn 2014-2020, họ thậm chí không được dự Champions League và cho đến mùa bóng này mới trở lại.

Milan sa sút mở ra kỷ nguyên 9 lần vô địch cho Juventus khi họ chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ ít tiềm lực hơn nhiều như Roma và Napoli, cho đến khi Inter vô địch mùa 2020/21. Song, Inter lại vô địch theo một cái giá rất đắt khi phải bán những cầu thủ tốt nhất mùa hè này để cân đối tài chính.

Hiện tại, 4 cầu thủ mới của Barca là Depay, Aguero, Garcia, Emerson chưa đủ điều kiện để đăng ký vì vướng quy định 70% nêu trên của Liga. Nhưng với quy định 25% của con số 30 triệu euro bán cầu thủ mùa hè này, họ đã có 7,5 triệu euro, đủ để đăng ký cho Depay và Emerson, nhằm đưa họ ra sân trong trận khai mạc mùa giải với Real Sociedad.

Aguero dính chấn thương đến giữa tháng 10 mới trở lại, trong khi Garcia mới trở về sau Olympic chưa thi đấu được ngay có thể sẽ được đăng ký trước ngày 1/9, nếu Barca tìm cách bán được một vài cầu thủ khác thành công.

Vậy nên Barca không thể cạnh tranh danh hiệu vô địch La Liga với các đội bóng khác ở Madrid. Kể cả mùa sau, họ phải chấp nhận điều này. Nhưng với lực lượng CĐV hùng hậu, cơ chế sở hữu chung, và nhận thức của Laporta về tài chính, Barca sẽ không bị rơi quá sâu như Milan.

Barca có thể đăng ký Memphis Depay cho mùa giải mới. Ảnh: Reuters.

Tương lai của La Liga hậu Messi?

Cristiano Ronaldo ra đi, và giờ là Messi rời Tây Ban Nha sẽ khiến La Liga kém hấp dẫn hơn về mặt hình ảnh, và theo đó là cả thu nhập. Nhưng đổi lại, La Liga sẽ lành mạnh hơn về mặt quản trị.

Tất cả phải vỗ tay ca ngợi Chủ tịch La Liga Javier Tebas về sự kiên định lập trường trong việc áp đặt các quy định tài chính lên các đội bóng La Liga.

Đây sẽ là con đê chắn sóng giúp La Liga không bị sụp đổ bởi những biến động bên ngoài, ví dụ như dịch Covid-19, giúp giải đấu phát triển bền vững hơn.

Tiền mua và trả lương cầu thủ ở châu Âu bị thổi lên rất lớn. Như một quả bong bóng khổng lồ rồi có lúc sẽ vỡ tung. Các giải đấu khác cũng nên học La Liga trong việc tạo nên một cái đê chắn sóng như vậy.

Quy định tài chính nghiêm khắc cộng với khoản tiền từ CVC giúp các CLB khác ở La Liga có sức cạnh tranh lớn hơn. Trước đây, quỹ lương của một đội như Villarreal chỉ bằng 20% của Barca. Bây giờ, con số đó được rút xuống còn 40-50%. Các đội bóng nhỏ ít chịu áp lực phải bán các cầu thủ tốt nhất của họ cho các ông lớn hơn.

Và như vậy, sức cạnh tranh của La Liga sẽ tăng lên. Không chỉ có Barca và 2 đội bóng thành Madrid đua tranh cúp vô địch, mà các đội như Sevilla, Betis, Villarreal, Sociedad, Valencia có thể nhập cuộc một cách nghiêm túc.

Ngày đầu tiên của Messi ở PSG Ngày 10/8 đánh dấu chương mới trong sự nghiệp của Lionel Messi khi siêu sao người Argentina ký hợp đồng với đội bóng thủ đô nước Pháp.

Chính Phong