Bất động sản tiếp tục 'di cư' ra vùng ven

Không ít cư dân thành thị tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Anh và Mỹ, vốn đang sống trong các căn hộ chật chội, đã lựa chọn ra ngoại ô để mua những căn nhà có vườn bao quanh với giá cả phải chăng hơn. Họ cũng sẵn sàng di chuyển một quãng đường xa hơn để vào trung tâm thành phố làm việc.

Tại Ấn Độ, xu hướng mua nhà tại thành phố để gần nơi làm việc đang trở thành một lựa chọn quá xa xỉ do kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch và các yêu cầu về giãn cách xã hội khiến người dân cần có không gian sống rộng rãi hơn. Do vậy, nhà ở tại các vùng ven trở thành mục tiêu săn đuổi của nhiều khách hàng.

Ảnh minh họa.

Tại Hà Nội, một loạt các khu đô thị đã và đang phát triển nằm ở phía Tây và Tây Nam (The Manor), hay Đông Nam (Ecopark và Vin Ocean Park), Đông Bắc (khu đô thị Việt Hưng), hay ngay cửa ngõ phía Nam Hà Nội (khu đô thị Gamuda). Tại TP.HCM, sự phát triển của thành phố Thủ Đức ở phía Đông với hàng loạt khu dân cư và tiện ích cũng chứng minh cho xu hướng này.

Phần lớn các khu đô thị được kể tên tại Hà Nội nằm cách trung tâm từ 20 – 45 phút di chuyển, sở hữu các tiện ích từ giáo dục, y tế, vui chơi, mua sắm cho đến các không gian xanh rộng rãi gần gũi với thiên nhiên và hạ tầng kết nối dễ dàng. Chủ đầu tư tại nhiều khu đô thị còn vận hành các tuyến xe bus riêng chuyên chở cư dân vào thành phố và phát triển các không gian mang tính sinh thái để thu hút cư dân tới sinh sống.

Người mua nhà đều cho rằng họ nhận được nhiều điều tuyệt vời từ không gian rộng rãi hơn và cơ sở vật chất tốt hơn với giá thấp hơn tại ngoại ô. Khi làm việc tại nhà có thể tiếp tục trong một thời gian nữa do đại dịch, họ không ngại việc tốn thời gian hơn để di chuyển đến văn phòng ở trung tâm, khoảng 2-3 lần một tuần, nếu cần thiết. Điều này đã chứng tỏ sức hấp dẫn của bất động sản ở vùng ven, và chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển của các văn phòng, trung tâm thương mại và tiện ích để đáp ứng nhu cầu của người dân tại những địa điểm này.

Bên cạnh đó, trong khi một số công ty tiếp tục làm việc tại nhà, thì một số công ty khác đang xem xét các mô hình làm việc kết hợp - làm việc tại nhà và văn phòng; làm việc từ bất cứ đâu và văn phòng, và làm việc gần nhà và văn phòng. Điều này sẽ giảm chi phí văn phòng cho các công ty, nhưng vẫn kết nối được với người lao động theo một cách thức linh hoạt hơn. Xu hướng này, đến lượt nó, lại thúc đẩy việc người lao động tìm kiếm nhà ở tại các vùng ven.

Trước đây, khi nhóm đối tượng khách hàng chính của thị trường văn phòng như bất động sản, tài chính, ngân hàng, giáo dục… luôn cần xuất hiện ở khu trung tâm để thuận tiện trong giao thương. Còn hiện nay, dịch bệnh và sự chuyển đổi số mạnh mẽ khiến đối tượng khách hàng này có sự thay đổi về vận hành và lựa chọn địa điểm làm việc.

Cùng với sự phát triển hạ tầng ven đô, khách hàng vừa tìm được không gian ưng ý tại các khu vực này với giá hợp lý, đồng thời dễ tiếp cận nguồn lao động với chi phí rẻ hơn. Khi nguồn cung văn phòng trung tâm khan hiếm, thị trường đã giải quyết sự thiếu hụt bằng cách mở rộng ra vùng ven. Chất lượng các tòa nhà ngoài trung tâm cũng được đánh giá ngày càng vượt trội hơn so với các văn phòng cũ kỹ ở vị trí đắc địa.

Ở một mặt khác, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi trong cấu trúc lực lượng lao động tại các quốc gia, với 32% lực lượng lao động là thuộc thế hệ Z (những người sinh từ năm 1995 trở đi). Họ có nhu cầu mạnh mẽ đối với một không gian làm việc thoáng đãng, sáng tạo, được chăm chút bản thân, ưu tiên về sức khỏe, cân bằng công việc và cuộc sống.

Do đó, trong thế giới hậu đại dịch, các khu vực vùng ven của các thành phố là tâm điểm của người mua nhà, thúc đẩy việc phát triển nguồn cung (cả quỹ đất và các đơn vị nhà ở) và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ. Đại dịch là cơ hội để nhiều nhà phát triển sở hữu các quỹ đất sạch tại vùng ven và hoàn thiện dự án để tung ra thị trường trong thời gian sớm nhất.

Trào lưu di cư ra vùng ven cũng kéo theo một xu hướng khác. Trước đại dịch, giá nhà ở các khu vực thành phố lớn, đặc biệt là những khu vực gần văn phòng, đã tăng cao. Tuy nhiên, giá thuê đã giảm khi mọi người chuyển ra ngoại ô và giá trị căn nhà cũng giảm so với thời điểm trước đó, dù rằng vẫn cao do sức nóng chung của thị trường. Vì vậy, một số căn nhà đang được rao bán tại các đô thị với giá hấp dẫn hơn so với trước thời điểm đại dịch và đó là mảnh đất sinh lợi màu mỡ cho các nhà đầu tư có nguồn vốn dồi dào.

Lam Vy