Bầu cử ở Slovakia có thể gây chia rẽ Đông-Tây

Ông Fico tuyên bố nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ đảo ngược sự hỗ trợ quân sự của Slovakia dành cho nước láng giềng Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay. Đây được cho là một phép thử quan trọng có thể đưa nước này vào con đường mới rời xa Kiev và hướng tới Moscow, đe dọa phá vỡ sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu và NATO. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này sẽ có cơ hội để thành lập chính phủ mới. Tổng cộng sẽ có 150 ghế trong Quốc hội sẽ được bầu.

Ảnh minh họa theo tippinsights

Từ năm 2020, Đảng Những cá nhân độc lập và người dân bình thường (OlaNO) theo chủ nghĩa dân túy đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 với mục tiêu chống tham nhũng và lãnh đạo đảng Igor Matovič đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ với các Đảng phái khác. Tuy nhiên, Liên minh đã sụp đổ vào tháng 12 năm ngoái sau khi thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội, bước vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài do tranh cãi giữa các đối tác liên minh về một số vấn đề như giải pháp ứng phó của nhà nước đối với đại dịch Covid-19 và các vấn đề về kinh tế như tình trạng lạm phát do giá năng lượng cao trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng. Liên minh này đã ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine, tài trợ vũ khí đồng thời mở cửa biên giới với nước láng giềng Ukraine cho những người tị nạn chạy trốn cuộc chiến.

Trong khi đó, ông Fico, 59 tuổi, có xu hướng thân Nga và phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga cũng như muốn ngăn cản Ukraine gia nhập NATO. Ông này cũng từng tuyên bố thay vì gửi vũ khí tới Kiev, EU và Mỹ nên sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận hòa bình. Việc ông trở lại nắm quyền có thể khiến Slovakia từ bỏ con đường dân chủ hiện tại và đi theo con đường của chính phủ Hungary dưới thời Thủ tướng Viktor Orbán.

Hải Đăng/VOV-Praha