Bình Thuận sẽ phát triển du lịch mạo hiểm trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng

Cả Bình Thuận và Lâm Đồng đều có nhiều điểm mạnh trong ngành du lịch, tuy nhiên, Bình Thuận cần đầu tư để phát triển các loại hình du lịch khác như trekking, du lịch sinh thái, văn hóa... để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút một đối tượng khách hàng rộng hơn.

Trong xu hướng và bối cảnh phát triển du lịch hiện nay, với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng mới trong tiêu dùng du lịch và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng nên việc đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch vừa phải mang tính đột phá, vừa phải mang tính định hướng dài hạn.

Đoàn khảo sát chinh phục dốc Ngo

Việc kết nối giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận để khai thác tuyến trekking Tà Năng - Phan Dũng nhằm tạo dựng hình ảnh, sức cạnh tranh và vị thế mới cho du lịch Bình Thuận và Lâm Đồng; đồng thời thúc đẩy giao lưu hợp tác phát triển du lịch giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận.

Tại hội nghị, giữa hai địa phương Bình Thuận và Lâm Đồng đã thống nhất thông tuyến thử nghiệm chương trình đi bộ đường dài dã ngoại (trekking) Tà Năng - Phan Dũng; trao đổi, chia sẻ về các chương trình kích cầu du lịch, các sản phẩm du lịch mới, tiêu biểu của 2 địa phương. Dịp này, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của 2 tỉnh ký kết, tạo tiền đề để phát triển sản phẩm du lịch mới, góp phần làm sâu sắc thêm liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và Bình Thuận.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận Phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, việc kết nối giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận để khai thác tuyến trekking Tà Năng - Phan Dũng cũng nhằm tạo dựng hình ảnh, sức cạnh tranh và vị thế mới cho du lịch Bình Thuận và Lâm Đồng; đồng thời, thúc đẩy giao lưu hợp tác phát triển du lịch giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận.

"Chúng tôi nghĩ rằng đây là một sản phẩm không mới đối với Lâm Đồng nhưng với Bình Thuận đây là sản phẩm du lich mới. Tôi nghĩ rằng điểm trekking này là sản phẩm để mọi người, nhất là giới trẻ trải nghiệm và rèn luyện. Bên cạnh đó, du khách quốc tế cũng có thể trải nghiệm thiên nhiên, phong cảnh rừng của Việt Nam. Đó là những hướng mà chúng tôi sẽ bàn và sẽ kết nối giữa hiệp hội 2 địa phương" - ông Nguyễn Văn Khoa bày tỏ.

Đoàn Sỹ/VOV-TPHCM