Bộ Công Thương nâng cao năng lực điều tra vụ việc cạnh tranh

Giám sát cạnh tranh các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế

Thực thi quy định của pháp luật cạnh tranh, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai có hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước nhằm từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua công tác giám sát cạnh tranh đã được Bộ Công Thương tiến hành trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: Vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, bưu chính, sữa trẻ em và sản phẩm dinh dưỡng công thức, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, hóa chất, sàn thương mại điện tử,... Từ đó kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng tăng cường hoạt động rà soát các giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường, cập nhật, thống kê và tổng hợp dữ liệu về tình hình tập trung kinh tế của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Vụ việc Công ty TNHH GrabTaxi mua lại Công ty TNHH Uber Việt Nam là một trong những vụ việc điển hình cơ quan điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh Việt Nam triển khai

Năm 2023, cơ quan Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức triển khai thẩm định trên 150 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nhiều ngành/lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đã xem xét 8 hồ sơ vụ việc cạnh tranh và xác minh, đánh giá 29 vụ việc tiền tố dụng có dấu hiệu hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Trong đó, chủ động phát hiện và xác minh 11 vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh và 18 phản ánh về vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

“Hiện nay Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang tiếp tục xác minh, làm rõ thông tin các vụ việc nêu trên theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch và thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, bà Nguyễn Quỳnh Anh thông tin.

Tăng cường kiến thức, kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, để đảm bảo môi trường cạnh tranh ngày càng lành mạnh, bên cạnh kiểm soát thị trường, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực điều tra cho cán bộ cơ quan cạnh tranh.

Mới đây nhất phải kể đến Hội thảo về kỹ năng điều tra vụ việc cạnh tranh do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2024, với sự tham dự của các cơ quan cạnh tranh khu vực châu Á, như: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Singapore, Parkistan, Bangladesh, Ấn Độ, , Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Mông Cổ (Trung Quốc), Đài Bắc (Trung Quốc); và sự tham gia của các diễn giả là chuyên gia cạnh tranh đến từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, Cục Cạnh tranh của Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản, và Ban cạnh tranh OECD Hàn Quốc.

“Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo điều kiện cho cán bộ của cơ quan cạnh tranh các nước châu Á trao đổi, học hỏi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực cạnh tranh; đồng thời nâng cao trình độ, năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của các nước khu vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng có xu hướng gia tăng như hiện nay”, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho hay.

Hội thảo về kỹ năng điều tra vụ việc cạnh tranh do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội

Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho biết, tại hội thảo các chuyên gia trong lĩnh vực đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh khu vực; trong đó công tác thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh đóng vai trò quan trọng đồng thời đánh giá cao hoạt động hợp tác quốc tế về cạnh tranh thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh.

Các chuyên gia cạnh tranh đã chia sẻ kinh nghiệm của cơ quan cạnh tranh Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Úc, và các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) về: Quy định và thực thi pháp luật cạnh tranh đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nhưng cơ sở pháp lý, phạm vi và tính chất của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong pháp luật cạnh tranh; và khái niệm về các-ten, khái niệm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; đồng thời các hành vi các-ten và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; cùng các biện pháp thu thập chứng cứ; và thủ tục tố tụng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các quy định và thực thi pháp luật cạnh tranh đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường như: Khái niệm, tính chất của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của pháp luật cạnh tranh; cách xác định thị trường liên quan trong vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp trong các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; những hành vi loại bỏ đối thủ cạnh tranh và hành vi gây thiệt hại cho khách hàng.

Hay những quy định kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh như: Quy định về thông báo tập trung kinh tế; xác định thị trường liên quan trong vụ việc tập trung kinh tế; cách phân tích, đánh giá tác động cạnh tranh trong các vụ việc tập trung kinh tế; và các biện pháp khắc phục trong các vụ việc tập trung kinh tế; những nghiên cứu, phân tích và thảo luận về vụ việc tập trung kinh tế giả định theo quy định của pháp luật cạnh tranh;… cũng được các chuyên gia chia sẻ cụ thể.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh thông tin thêm, đại diện cơ quan cạnh tranh đã có cơ hội nghiên cứu, phân tích và thảo luận về vụ việc cạnh tranh giả định liên quan đến hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hoạt động tạp trung kinh tế bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

“Với sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về cạnh tranh cũng như sự tham gia và đóng góp tích cực của các thành viên tham dự, bên cạnh việc tăng cường kiến thức và kinh nghiệm của cơ quan cạnh tranh trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh, chương trình còn đóng vai trò là cầu nối, giúp mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa cơ quan cạnh tranh các nước khu vực trong công tác thực thi pháp luật cạnh tranh”, bà Nguyễn Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Hoàng Lan