Bộ GD&ĐT cấp phép cho hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân

Đó là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long, trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ Giáo dục Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn, trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục TP.HCM.

Cả 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này đều là trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

Các trung tâm này sẽ hoạt động theo quy định của các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, Nghị định 46 của Chính phủ năm 2017, Nghị định 135 của Chính phủ...

Sự xuất hiện các đơn vị kiểm định là nhu cầu khách quan của việc cung cấp dịch vụ kiểm định cho các cơ sở giáo dục (Ảnh minh họa)

Như vậy, đến nay cả nước có 7 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trước đó, có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của trường ĐH Vinh.

Sự xuất hiện các đơn vị kiểm định là nhu cầu khách quan của việc cung cấp dịch vụ kiểm định cho các cơ sở giáo dục. Bản chất của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là phải độc lập, khách quan, vì vậy Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật thì kiểm định chất lượng giáo dục không chỉ đặt ra đối với giáo dục đại học, cao đẳng, mà đối với toàn bộ cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

T.Fan