Bổ sung mới 7 chỉ tiêu trong đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Dự thảo đã sửa đổi tên gọi thành Quyết định quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, bổ sung một điều mới giải thích từ ngữ nhằm làm rõ thuật ngữ, nội hàm của tiếp cận pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó tiếp cận pháp luật là việc bảo đảm quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và được đánh giá thông qua kết quả thực hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã.

Theo Tờ trình Dự thảo, tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng được sửa đổi, còn 20 chỉ tiêu, giảm 5 chỉ tiêu.

Ảnh minh họa: Bộ phận một cửa phường Chương Dương (ảnh HL)

Dự thảo kế thừa số lượng 5 tiêu chí và vị trí các tiêu chí được sắp xếp theo thứ tự: tiêu chí 1 là ban hành văn bản thực thi chính sách, pháp luật trên địa bàn; tiêu chí 2 là phổ biến, giáo dục pháp luật; tiêu chí 3 là hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; tiêu chí 4 là thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tiêu chí 5 là thi hành pháp luật.

Trong đó, bổ sung mới “trợ giúp pháp lý” vào tiêu chí 3 với ý nghĩa góp phần bảo đảm, thực hiện, bảo vệ quyền của người dân trong thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý; bổ sung mới tiêu chí Thi hành pháp luật nhằm đánh giá, thúc đẩy chính quyền cơ sở trong thi hành pháp luật, trọng tâm là phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, ma túy, mại dâm, bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường. Trong tiêu chí này, có một số chỉ tiêu được tích hợp nội dung của tiêu chí Thực hiện thủ tục hành chính, Tiêu chí Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg.

Trong tổng số 20 chỉ tiêu được quy định tại Phụ lục Quyết định, có 13 chỉ tiêu được kế thừa, sửa đổi, bổ sung. Các nội dung của các chỉ tiêu cũng được rà soát, sửa đổi để định lượng và rõ ràng hơn, có 16/20 chỉ tiêu (chiếm 80%) được thiết kế theo các định mức tỷ lệ % gắn với mức điểm tương ứng, giúp cho việc chấm điểm, đánh giá được thống nhất, đồng bộ.

Dự thảo cũng đã bổ sung mới 7 chỉ tiêu, tập trung vào trách nhiệm của chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn trong tổ chức thực hiện chính sách về trợ giúp pháp lý, hộ tịch trên địa bàn; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, ma túy, mại dâm, bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở; nêu gương cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật.

Đáng chú ý, Dự thảo đã lược bớt 3 chỉ tiêu trong Quyết định số 619/QĐ-TTg do không còn phù hợp, chồng chéo, trùng lắp hoặc thực tiễn đã được thực hiện ổn định, nền nếp, bao gồm chỉ tiêu về bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định; chỉ tiêu về bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính; chỉ tiêu về tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp. Trong đó, Dự thảo đã bỏ điều kiện đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về thực hiện thủ tục hành chính nhằm giảm áp lực cho cơ sở, có thể sử dụng kết quả của một số chỉ số, tiêu chí khác đang áp dụng để phục vụ việc đánh giá, xét xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…

H.L