Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: TP. Hồ Chí Minh đột phá phát triển sẽ lan tỏa tích cực cho cả vùng kinh tế

Tham dự buổi làm việc về phía thành phố, có Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn. Đoàn công tác của Bộ Tài chính tham gia làm việc có lãnh đạo một số đơn vị vụ, cục, tổng cục thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

Tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp, gỡ về thể chế, thúc đẩy giải ngân

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Năm 2023, GRDP của thành phố ước tăng 5,81% (không đạt chỉ tiêu đề ra). Trong đó, chỉ số công nghiệp tăng 4,6%. Muốn tăng GRDP cao thì chỉ số công nghiệp phải tăng 2 con số. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao hơn trước, đạt 7,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước cả năm tăng 10,8%. Hàng hóa qua cảng biển tăng 5,59% là con số tích cực, phản ánh được nhịp độ kinh tế của thành phố.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, những thành quả TP. Hồ Chí Minh đạt được thời gian qua là rất đáng khích lệ.

Trong bối cảnh đó, TP. Hồ Chí Minh tập trung giải quyết 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Trước hết, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, trong đó có nhóm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp bất động sản và nhóm doanh nghiệp FDI, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Thứ hai, thành phố tập trung tháo gỡ về thể chế. Thời gian qua, thành phố đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục tham mưu tháo gỡ vướng mắc nghị quyết này. Đồng thời, thành phố đang tích cực tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung khởi động lại các dự án lớn, bổ sung một số dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, năm 2024, dự kiến tăng trưởng của thành phố là 7,5 - 8%. Đối với mức tăng trưởng này, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, thành phố đã đưa ra các kịch bản để có phương án tương ứng. Với mức tăng trưởng từ 7,5 - 8%, đây là mức tăng khá cao, là một thách thức đối với thành phố, cần phải hành động với tinh thần quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu giải ngân tốt hơn năm 2022, mục tiêu phấn đấu khoảng 80% dự toán được giao.

Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), năm 2024, thành phố được giao tăng so với năm 2023. Theo đó, tổng dự toán thu NSNN năm 2024, hơn 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% dự toán năm 2023 và tăng 9,92% so với ước thực hiện năm 2023; tổng thu ngân sách địa phương hơn 140.978,3 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương hơn 149.976,7 tỷ đồng.

“Thành phố nỗ lực thực hiện nhưng mong muốn được tháo gỡ cơ chế chính sách, hỗ trợ thành phố” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói.

Theo đó, thành phố kiến nghị nên có định hướng để được tiếp cận vốn ODA thế hệ mới, giúp thành phố triển khai tiếp các dự án công trình trọng điểm, như dự án hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035. Dự án này còn 200 km, tuy nhiên hiện nay đang khó khăn trong tiếp cận vốn, do đó cần có cơ chế cho phép thành phố được có cơ chế tín dụng, cơ chế vốn để thành phố thực hiện các nhiệm vụ đầu tư lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tương tự như vậy, dự án chống ngập của thành phố, đến nay đã hoàn thành trên 90%, còn 10% nhưng cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thành dự án.

Những thành quả của thành phố rất đáng khích lệ

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng ồ Đức Phớc ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được thời gian qua của TP. Hồ Chí Minh. Các cơ quan tài chính trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao có sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn.

Cuộc làm việc có sự tham dự của đại diện nhiều sở, ban, ngành tại TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm điều tiết kinh tế của cả nước. Do đó, Bộ Tài chính luôn ủng hộ các cơ chế phát triển của thành phố. TP. Hồ Chí Minh đột phá phát triển sẽ góp phần lan tỏa tích cực cho cả vùng kinh tế.

“Những thành quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay là rất đáng khích lệ” - người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm điều hành để có được những thành công thời gian qua của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều sáng kiến trong công tác quản lý thu thuế, đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từ vấn đề hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, cho đến xây dựng Trung tâm dữ liệu thuế, xây dựng Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã triển khai thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách...

Theo Bộ trưởng, những giải pháp này vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khoan sức dân vừa thu được những khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được, đảm bảo cho một nguồn lực để thực hiện chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm điều tiết kinh tế của cả nước. Do đó, Bộ Tài chính luôn ủng hộ các cơ chế phát triển của thành phố. TP. Hồ Chí Minh đột phá phát triển sẽ góp phần lan tỏa tích cực cho cả vùng kinh tế.

“Những thành quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội của TP. Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay là rất đáng khích lệ” - người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.

Minh Anh