Các nước giàu phải trả tiền cho các nước nghèo

Vào hôm 5/10, các quốc gia giàu nhất hành tinh đã gặp nhau tại thành phố Bonn (Đức) để tham dự Hội nghị tài chính lần thứ 3 của Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Tổng cộng, 25 quốc gia đã cam kết đóng góp hơn 9,3 tỷ euro, còn 5 quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, tuyên bố sẽ đưa ra cam kết vào một ngày sau đó.

Từ thời điểm được thành lập vào năm 2010, GCF đã tài trợ pin mặt trời cho Pakistan cũng như cho những dự án nông nghiệp ở Philippines và tất cả những kế hoạch khí hậu khác của những nước đang phát triển. Kể từ thời điểm cho ra đời Thỏa thuận Paris năm 2015, GCF đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các nước phát triển tuân thủ một phần cam kết cung cấp 100 tỷ USD tiền viện trợ khí hậu mỗi năm - một lời hứa đã không được giữ kể từ năm 2020 và trở thành “thẻ đỏ” trong những cuộc đàm phán quốc tế.

Theo GCF, cho đến nay, họ đã giải ngân hơn 3 tỷ USD và nhận được cam kết đóng góp hơn 12 tỷ USD. Nhưng họ có tham vọng lớn hơn: GCF muốn nâng số vốn của mình, hiện là 17 tỷ USD, lên 50 tỷ USD vào năm 2030. Cho đến nay, đã có 3/4 các nước nâng tỷ lệ đóng góp của họ so với định mức đặt ra từ Hội nghị tài chính năm 2019, bao gồm Đức (2 tỷ euro), Áo và Pháp (1,6 tỷ euro). Thậm chí, ba quốc gia Đan Mạch, Ireland và Liechtenstein nâng gấp đôi mức đóng góp của họ.

Mỹ từ chối công bố khoản đóng góp mới, với lý do "không chắc chắn về quy trình ngân sách” của nước họ. Điều này ám chỉ tình trạng bế tắc mà Hạ viện Mỹ đang gặp phải sau cuộc luận tội Chủ tịch Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy. Vào năm 2014, trong đợt huy động vốn đầu tiên, Mỹ cam kết sẽ đóng góp khoảng 3 tỷ USD dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhưng người kế nhiệm Donald Trump lại không đưa ra lời hứa nào vào 5 năm sau đó.

Australia và Israel công bố đóng góp

Dưới thời của cựu lãnh đạo phe bảo thủ Scott Morrison, Australia - một trong những quốc gia có mức phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lớn nhất thế giới, đã rời khỏi GCF. Gần đây, họ cho biết sẽ tái gia nhập quỹ khí hậu này. Mặt khác, Israel cũng công bố khoản đóng góp đầu tiên.

Tuy xuất hiện thêm nhiều cam kết hứa hẹn, các nhà hoạt động môi trường vẫn chỉ trích nhiều quốc gia vì sự thiếu tham vọng của họ, thông qua hành động nhắc lại lời hứa cũ hoặc chọn giữ nguyên mức đóng góp.

Cho đến nay, Quỹ Khí hậu Xanh đã cam kết thực hiện hơn 200 dự án, chủ yếu ở châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh và vùng Caribe. Phần lớn số tiền này sẽ được giải ngân dưới hình thức quyên góp. Vào năm 2022, một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc ước tính rằng các nước đang phát triển cần hơn 2 nghìn tỷ USD/năm, trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030, nhằm phát triển và tìm cách thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Dù vậy, ép buộc các nước phát triển - những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn trong lịch sử, trả tiền cho các nước nghèo để họ thích ứng tốt hơn với hậu quả của biến đổi khí hậu và thực hiện quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, là một trong những chủ đề dễ gây tranh cãi nhất tại các cuộc đàm phán về khí hậu. Và đây sẽ lại là tâm điểm của sự kiện Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP28), tổ chức vào ngày 30/11 tại Dubai.

Lại nói đến lời hứa viện trợ hàng năm 100 tỷ USD, thật khó để biết chính xác số tiền đóng góp của các nước phát triển. Theo OECD, con số đóng góp chỉ là 83,3 tỷ USD vào năm 2020. Một số quốc gia thì cho rằng, các nước phát triển đã đạt được cam kết 100 tỷ USD hoặc sẽ sớm đạt được vào năm 2023. Dù vậy, sẽ không ai biết được kết quả thực sự cho đến hai năm sau.

Ngọc Duyên

AFP