Cam kết chính trị quan trọng, hiện thực hóa SDGs

Chất xúc tác để đạt mục tiêu của SDGs

Tuyên bố này được đánh giá là chất xúc tác quan trọng để cộng đồng quốc tế thực hiện những hành động lớn và táo bạo, đồng thời huy động các cam kết chính trị và đầu tư tài chính cần thiết để đạt được mục tiêu UHC trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại trụ sở New York ngày 19.9.2023. Ảnh: UN

Mục tiêu UHC đo lường khả năng của các quốc gia trong việc bảo đảm rằng mọi người dân đều nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần, bất cứ khi nào và bất kỳ ở đâu mà không gặp khó khăn về tài chính. Mục tiêu này bao gồm đầy đủ các dịch vụ y tế chính: từ nâng cao sức khỏe đến phòng ngừa, bảo vệ, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Điều đáng báo động là tiến trình toàn cầu hướng tới UHC phần lớn đã bị đình trệ kể từ năm 2015, trước khi trở nên tồi tệ hơn từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Để không là một bước lùi

Vào năm 2019, LHQ đã thông qua một tuyên bố chính trị tương tự về UHC nhằm bảo đảm tất cả người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế bất cứ khi nào, bất kỳ ở đâu khi họ cần, và bất kể tình hình tài chính của họ như thế nào.

Nhưng tiến trình hướng tới UHC đã bị đình trệ kể từ đó, chủ yếu là do đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, tính cấp bách của tuyên bố này được thể hiện rõ qua những con số thống kê đáng kinh ngạc. Ít nhất 4,5 tỷ người, tức hơn một nửa dân số thế giới, không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu vào năm 2021; hai tỷ người gặp khó khăn về tài chính, với hơn 1,3 tỷ người đang bị đẩy vào cảnh nghèo đói chỉ khi cố gắng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản - một thực tế rõ ràng về sự bất bình đẳng về sức khỏe ngày càng gia tăng.

Rebecca Akufo-Addo, Đệ nhất phu nhân Ghana và là nhà vận động tích cực cho UHC bày tỏ: “Khoảng cách về địa lý, thu nhập, giáo dục, giới tính và độ tuổi tiếp tục loại nhiều người khỏi các dịch vụ y tế cơ bản” trong khi “chúng ta cũng đang đối mặt với mối đe dọa nữa là sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm”. Quá trình mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng bị hạn chế bởi thành kiến tôn giáo và văn hóa.

“Chúng ta không thể tiếp tục đẩy người dân vào cảnh nghèo đói vì bệnh tật. Chúng ta phải phát triển các chương trình bảo hiểm dành cho người dân của mình”, bà Akufo-Addo kêu gọi.

Lựa chọn chính trị mạnh mẽ

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Cuối cùng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một lựa chọn - một lựa chọn chính trị”. “Tuyên bố chính trị được các nước thông qua hôm nay là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy họ đang đưa ra lựa chọn đó. Nhưng sự lựa chọn không chỉ được thực hiện trên giấy. Nó được thực hiện trong các quyết định ngân sách và quyết định chính sách. Trên hết, nó được thực hiện bằng cách đầu tư vào “chăm sóc sức khỏe ban đầu” (PHC). Đặc biệt, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu có nghĩa là đầu tư vào những người cung cấp dịch vụ đó: những nhân viên y tế là trụ cột của mọi hệ thống y tế”.

Tiến sĩ Tedros cũng bổ sung ba yêu cầu đối với các quốc gia thành viên: biến UHC thành “ưu tiên chính sách trung tâm của mỗi chính phủ”; tăng đầu tư trong nước vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhân viên y tế và bảo đảm tài chính, bắt đầu từ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất; và giải quyết những nguyên nhân gây ra tình trạng sức khỏe kém từ “thực phẩm mà người dân sử dụng, không khí người dân thở và điều kiện họ sống và làm việc”. Ông nhấn mạnh: “Đây là con đường toàn diện, công bằng và hiệu quả nhất để đạt được bảo hiểm y tế toàn dân”.

Bước ngoặt cho việc điều chỉnh cách tiếp cận

Trong Tuyên bố Chính trị, các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo thế giới cam kết thực hiện các chương trình hành động quan trọng của quốc gia, đưa ra các khoản đầu tư thiết yếu, tăng cường hợp tác quốc tế và đoàn kết toàn cầu ở cấp chính trị cao nhất để đẩy nhanh tiến độ hướng tới UHC vào năm 2030, sử dụng cách tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu (PHC).

Để việc chăm sóc sức khỏe thực sự trở nên phổ biến, cần phải có sự chuyển đổi từ hệ thống y tế được thiết kế xoay quanh bệnh tật sang hệ thống được thiết kế cho con người. PHC, một cách tiếp cận nhằm tăng cường hệ thống y tế tập trung vào nhu cầu của người dân, là một trong những lĩnh vực đầu tư hiệu quả nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới UHC.

Các quốc gia áp dụng phương pháp PHC có khả năng tốt hơn để nhanh chóng xây dựng các hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn nhằm tiếp cận những người dễ bị tổn thương nhất và đạt được lợi tức đầu tư y tế cao hơn. Quan trọng nhất, họ bảo đảm rằng nhiều người hơn được cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu và được trao quyền tham gia đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của họ.

Người ta ước tính cần thêm khoản đầu tư 200 - 328 tỷ USD mỗi năm để mở rộng phương pháp PHC ở các nước thu nhập thấp và trung bình (ví dụ: lên tới khoảng 3,3% tổng sản phẩm quốc nội). Điều này có thể giúp các hệ thống y tế cung cấp tới 90% các dịch vụ y tế thiết yếu, cứu sống ít nhất 60 triệu người và tăng tuổi thọ trung bình thêm 3,7 năm vào năm 2030.

Tiến sĩ Tedros cho biết, WHO, thông qua mạng lưới hơn 150 văn phòng quốc gia và 6 văn phòng khu vực, đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để đẩy nhanh quá trình định hướng lại triệt để các hệ thống y tế thông qua các phương pháp tiếp cận tập trung vào PHC và đảm bảo hướng dẫn quy chuẩn chặt chẽ để theo dõi tiến độ về trách nhiệm giải trình và tác động.

Tuyên bố Chính trị đưa ra tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của LHQ về UHC đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của các tổ chức và dư luận. Sau khi được Đại hội đồng LHQ thông qua, Tuyên bố Chính trị sẽ được giám sát thường xuyên trong quá trình thực hiện nhằm xác định những khó khăn và giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ và được thảo luận tại Hội nghị cấp cao tiếp theo của LHQ vào năm 2027.

Quốc Đạt