Cán bộ nữ ngoại giao: Ký ức và kỳ vọng

Trong không khí chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3, lật lại các trang ảnh về những thế hệ những nhà ngoại giao nữ, tôi càng thấy rằng, đội ngũ cán bộ nữ ngoại giao ngày càng trưởng thành và trở thành lực lượng nòng cốt trong quá trình xây dựng, phát triển Ngành và đất nước. Sự cương quyết và mềm mại đúng lúc đã giúp họ đạt được nhiều thành tựu trong đàm phán đối ngoại, cả song phương cũng như đa phương.

Cán bộ nữ ngoại giao viếng lăng Bác Hồ, ngày 2/6/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Từ “mì chính cánh”…

Vào những năm 1970-1980, với tỷ lệ 15%, lực lượng cán bộ nữ ngoại giao được coi là “mì chính cánh” trong công tác đối ngoại. Thế nhưng, trong chặng đường đầu đầy gian khó của Ngành ngoại giao, với ý chí, niềm tin, trí tuệ và sự nhạy bén, những cán bộ nữ khi đó đã tham gia vào tuyến đầu mặt trận ngoại giao, đấu tranh kiên cường giữ vững độc lập chủ quyền, phá thế bao vây, cấm vận, đóng góp vào bảo vệ biên cương Tổ quốc, khôi phục và phát triển kinh tế.

Chúng ta không thể quên, người phụ nữ tiêu biểu của thế kỷ XX, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị bốn bên về hòa bình cho Việt Nam, năm 1973 đã đặt bút ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hay bà Phan Thị Phúc, người thanh nữ đã tích cực tham gia tổ chức phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, sau này là Vụ trưởng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã nỗ lực quảng bá sức mạnh mềm, văn hóa Việt Nam tới bạn bè thế giới; nhà ngoại giao nữ thông minh, năng động, sắc sảo với báo chí, thẳng thắn và bao dung với đồng nghiệp, đó là nữ Phát ngôn đầu tiên của Bộ Ngoại giao, bà Hồ Thể Lan.

Đó còn là cán bộ tiền khởi nghĩa, Trưởng Ban nữ công đầu tiên của Bộ Ngoại giao, bà Hoàng Thị Lam - người luôn tâm huyết, mong mỏi sự tiến bộ và trưởng thành của đội ngũ cán bộ nữ ngoại giao. Bà Nguyễn Ngọc Dung, Đại sứ, Trưởng Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, người đã có nhiều đóng góp ngay từ những ngày đầu đất nước ta gia nhập LHQ và là đại diện nữ đầu tiên của Việt Nam tại Ủy ban Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), hay các bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đinh Thị Ngọc Tảo, Phan Thị Minh, Phan Thị Phước… là những cái tên chúng ta không còn xa lạ.

Dù là những “mì chính cánh”, nhưng họ luôn nỗ lực từng ngày, và trở thành những người phụ nữ Việt Nam tiên phong đặt nền móng cho Ngành, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát huy chính nghĩa của sự nghiệp cách mạng nước ta, thu phục tình cảm và trái tim của bạn bè, đối tác về cho đất nước.

“Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với lòng đam mê nghề nghiệp, với khả năng quán xuyến, nhạy bén xã hội, khả năng kết nối rộng rãi và hơn hết là khả năng thấu hiểu và cảm thông, chị em đã thực sự phát huy được “sức mạnh mềm” của ngoại giao, gắn kết con người, gắn kết các cộng đồng và các dân tộc, đưa trái tim đến với trái tim, vì hòa bình giữa các dân tộc”. (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh)

Đến lực lượng nòng cốt

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam luôn dặn dò: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Trân trọng đóng góp của cán bộ nữ, ngay từ những ngày đầu lập nước, Bác đã luôn tin tưởng giao phó nhiều trọng trách quan trọng, đồng thời, luôn quan tâm, ghi nhận, biểu dương những cống hiến và nỗ lực của các cán bộ nữ ngoại giao.

Thấm nhuần tư tưởng này, các thế hệ lãnh đạo Bộ luôn coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo, tạo điều kiện để cán bộ nữ ngoại giao có thể phát huy tối đa khả năng và tâm huyết vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong công tác đối ngoại.

Đặc biệt, khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ với những thay đổi, chuyển dịch sâu rộng và mau lẹ chưa từng có, tính bất ổn, bất định gia tăng, biến động và thách thức ngày càng khó lường. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam được triển khai ngày càng đồng bộ, toàn diện và sâu rộng, theo phương châm chủ động đóng góp và tích cực tham gia định hình các cơ chế, hợp tác quốc tế.

Đội ngũ cán bộ nữ ngoại giao trưởng thành lên một tầm mức mới, được sự chỉ đạo, quan tâm của Lãnh đạo Bộ, đội ngũ cán bộ nữ Bộ ta liên tục trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trẻ hóa và đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại và công tác của Ngành. Đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 44,6%; trong đó 66,19% cán bộ nữ dưới 35 tuổi.

Năm 2020, tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng là 38,88%; tỷ lệ cán bộ được bổ nhiệm Tập sự cấp Vụ là 27,58%; tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào diện quy hoạch cấp Vụ/Cục giai đoạn 2021-2026 là 41,89% và vượt trội so với mức quy định của Trung ương (từ 15% trở lên).

Những con số trên cho thấy, cán bộ nữ ngoại giao hiện trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của đối ngoại. Đặc biệt, các cán bộ nữ luôn tâm huyết, tận tụy với nghề, nỗ lực phấn đấu, khéo léo phát huy sức mạnh mềm của phụ nữ góp phần vào công cuộc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Nhiều chị em đã trở thành lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia đề xuất ý tưởng, đóng góp xây dựng và triển khai các chính sách đối ngoại lớn của đất nước, góp phần khẳng định năng lực khởi xướng, dẫn dắt và tạo tâm thế mới cho đối ngoại Việt Nam.

Với những đóng góp đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Ngoại giao đã khẳng định: “Sức mạnh mềm”, bản lĩnh, sự tự tin, năng động và nhạy bén của những “đóa hồng” trong lĩnh vực đối ngoại qua các thời kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế, đã góp phần quan trọng giúp Bộ Ngoại giao hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

Đội ngũ cán bộ nữ ngoại giao trưởng thành lên một tầm mức mới, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 44,6%; trong đó 66,19% cán bộ nữ dưới 35 tuổi. (Ảnh: Anh Tuấn)

Bức tranh ngày càng khởi sắc

Trong những năm qua, với sự tích cực, chủ động, sáng tạo của Ban Nữ công Bộ, các hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới không ngừng được đẩy mạnh, đóng góp thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác.

Thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Ban Nữ công Bộ Ngoại giao Việt – Lào, các hoạt động có nhiều ý nghĩa của Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, các buổi giao lưu kết nối giữa Ban Nữ công với Nhóm các Đại sứ nữ tại Hà Nội, hình thành mạng lưới không chính thức các nữ Đại sứ và Vụ trưởng qua các thời kỳ, sáng kiến hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Australia về nâng cao quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại… chỉ là một vài chấm nhỏ trong bức tranh ngày càng khởi sắc mang tên Nữ công Bộ Ngoại giao.

Nhìn lại năm 2020 với nhiều biến động do tác động của đại dịch Covid-19, theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng - Trưởng Ban Nữ công Bộ Ngoại giao, các cán bộ nữ ngoại giao đã vượt qua những khó khăn, tổ chức nhiều hoạt động công phu, thiết thực và có ý nghĩa chào mừng những dấu mốc lớn về bình đẳng giới của quốc tế, Việt Nam và kỷ niệm 75 năm thành lập Ngành.

Năm 2021 tới, thế giới và khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, đất nước bước vào năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045 như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngoại giao ngày càng nặng nề hơn.

Đội ngũ cán bộ nữ của Bộ sẽ tiếp tục cùng tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ nỗ lực hết mình, đóng góp cho những thành công mới của Ngành, cho những thành tựu mới của sự nghiệp đối ngoại, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của đất nước.

Mừng phụ nữ ngoại giao Rắn-mềm, đanh thép-ngọt ngào Những người Phụ nữ ngoại giao tuyệt vời Bà Bình vang tiếng một thời Nhiều bà, chị khác rạng ngời ngoại giao Trên cương vị thấp hay cao Nhiệt tình, sáng tạo góp vào thành công Đấu tranh-hợp tác Tây – Đông Dịu dàng, duyên dáng nhưng không yếu mềm Đáng lời khâm phục, ngợi khen Những bông hồng thắm dáng duyên nhường nào Những tà áo dài đẹp sao Tung bay phấp phới trên bao diễn đàn Tự hào ngoại giao Việt Nam Chị em Phụ nữ đang làm rạng danh. (Nguyễn Văn Thọ)

NGUYỄN HỒNG