Căn cứ F-16 Mỹ bị tấn công bằng tên lửa

Cuộc tấn công xảy ra hôm 4/4, v ũ khí tấn công là hai quả tên lửa tầm ngắn được phóng về phía sân bay quân sự Al-Balad, cách thủ đô Baghdad khoảng 60km về phía bắc, nhưng bị hụt tầm và rơi xuống ngay sát rìa căn cứ.

Đây là vụ tấn công bằng tên lửa thứ hai nhằm vào căn cứ Al-Balad trong gần một tháng qua, diễn ra chỉ vài ngày trước những cuộc đối thoại chiến lược giữa Baghdad với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Căn cứ Không quân Al-Balad.

Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về cuộc tập kích. Al-Balad là nơi tập trung phi đội tiêm kích đa năng F-16IQ của Iraq và một số ít tiêm kích Mỹ. Mỹ cũng từng triển khai nhiều binh sĩ không quân và nhà thầu dân sự tại đây, nhưng một số đã rời đi do tình hình căng thẳng từ đầu năm 2021.

Quân đội Mỹ vào Iraq năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, sau đó rút hoàn toàn lực lượng khỏi Iraq vào tháng 12/2011 theo lệnh của Tổng thống Barack Obama, nhưng quay lại từ năm 2014 để chống khủng bố IS theo đề nghị của chính phủ nước này.

Hiện IS đã bị đánh bại nhưng Mỹ vẫn duy trì hàng nghìn binh sĩ đồn trú tại Iraq để huấn luyện và hỗ trợ quân đội nước này ngăn phiến quân trỗi dậy. Các cơ sở và lực lượng Mỹ tại Iraq từng nhiều lần bị tập kích bằng rocket hồi năm ngoái.

Mỹ cáo buộc các lực lượng dân quân thân Iran đứng sau những vụ tấn công này và nhiều lần không kích đáp trả. Quân đội Mỹ hôm 25/2 không kích vị trí dân quân thân Iran ở miền đông Syria để trả đũa vụ phóng rocket làm hai người chết ở Erbil, miền bắc Iraq trước đó hai ngày.

Bất chấp động thái cứng rắn và tăng cường an ninh của Mỹ, những cuộc tấn công vào cơ sở và đoàn xe có lính Mỹ tại Iraq vẫn không ngừng xảy ra.

Những cuộc tấn công dai dẳng nhằm vào lực lượng Mỹ khiến người ta nhớ lại tuyên bố của Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei đưa ra sau vụ tập kích tên lửa vào căn cứ Mỹ tại Iraq để trả thù vụ Mỹ áp sát tướng Qassem Soleimani.

"Cuộc tấn công là cú đánh mạnh giáng vào Mỹ nhưng chưa đủ, bởi mục tiêu cuối cùng của Iran là đẩy lùi Mỹ khỏi khu vực Trung Đông, và Tehran sẽ tiếp tục tung các đòn tấn công nhắm vào lợi ích của Mỹ cho đến khi đạt được mục đích này", lãnh tụ tinh thần Iran nói.

Iran vẫn nắm trong tay những vũ khí bí mật có thể phát động các đòn tấn công nhằm vào mục tiêu Mỹ bằng cách sử dụng các lực lượng ủy nhiệm tại Trung Đông.

Mạng lưới lực lượng ủy nhiệm của Iran rất rộng và đáng gờm, bao gồm các lực lượng cũ như dân quân Hezbollah ở Lebanon, phong trào Hamas tại Palestine cùng các nhóm mới như dân quân Shiite ở Iraq (Lực lượng Tổng động viên - PMU) hay phiến quân Houthi tại Yemen.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) gần đây còn huấn luyện và trang bị cho nhóm Quân đội Giải phóng Hồi giáo Shia (SLA) với 200.000 tay súng dòng Shiite được tuyển từ những nơi như Afghanistan, Yemen, Pakistan để triển khai ra các chiến trường nước ngoài như Syria.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo Iran có thể mở cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quan trọng của nước này tại Trung Đông gây thiệt hại nặng, đồng thời có thể phát động các chiến dịch gây rối loạn trên mạng xã hội.

Dù không có bằng chứng cụ thể về sự liên quan của Iran đến các cuộc tấn công này nhưng chúng đang diễn ra đúng như những gì Bộ An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo.

Tuấn Vũ