Căn cước công dân gắn chíp không có chức năng định vị

Theo Bộ Công an, mẫu Căn cước công dân mới có tích hợp chíp được gắn ở mặt sau của thẻ nhằm lưu trữ các thông tin cơ bản của công dân. Chíp có thể lưu khoảng 20 trường dữ liệu cá nhân, có chữ ký số và khả năng lưu trữ sinh trắc học (vân tay).

Đồng thời có độ bảo mật cao nên rất khó làm giả. Chủ sở hữu mới sử dụng được thẻ vì có lưu thông tin cá nhân, nhận dạng nên đảm bảo độ tin cậy khi thực hiện các giao dịch...

Cơ quan chức năng lưu ý việc sử dụng căn cước gắn chíp sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân, đồng thời phục vụ công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, hướng tới Chính phủ số.

Công an quận Nam Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp (Ảnh: M.P)

Bộ Công an khẳng định chíp được gắn trên thẻ với mục đích lưu trữ những thông tin cơ bản và quan trọng của công dân, như bằng lái xe, bảo hiểm hay ngân hàng...

Đặc biệt, chíp không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Trong quá trình chuẩn bị, Bộ Công an đã có phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chip. Phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, ở mặt trước của thẻ căn cước công dân gắn chíp, mỗi công dân được cấp một mã QR giúp lưu trữ, đồng bộ với các thông tin về giấy tờ tùy thân trước đó. Những thông tin này đã được Bộ Công an xác tín tính hợp pháp.

Do đó, người dân không cần xuất trình giấy chứng nhận thay đổi số chứng minh thư trong các giao dịch hành chính, ngân hàng...

H.D