Cần giảm ưu đãi với doanh nghiệp thép trong nước để giá thép bình ổn?

Doanh nghiệp xây dựng ảnh hưởng nặng nề do thép giá cao trong thời gian qua

Theo ghi nhận của Pháp luật Việt Nam, đa số các ý kiến đều ủng hộ đề xuất này của Bộ Tài chính, chỉ có một số ít doanh nghiệp thép trong nước tỏ ra không đồng tình với đề xuất này.

Thay đổi ưu đãi là cần thiết

Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các hiệp hội liên quan trong việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép và giảm thuế nhập khẩu với một số loại thép, trong đó có thép xây dựng. Theo Bộ Tài Chính, trong thời gian qua, với nhiều chính sách phù hợp, trong đó có chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ngành thép trong nước đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, từng bước tự chủ được công nghệ và năng lực sản xuất phôi thép, thép xây dựng, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải ban hành nghị định sửa đổi về giá xuất, nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối một số loại sắt thép xây dựng đã được áp dụng trong một thời gian dài với mức tương đối cao (lên đến 15%, 20% và 25%). Do đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, Bộ Tài đã đề nghị phương án điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với phôi thép và mức thuế nhập khẩu ưu đãi của một số loại thép xây dựng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5%. Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với một số sản phẩm thép xây dựng từ mức 25%, 20%, 15% xuống 15% hoặc 10% (tùy loại cụ thể). Theo đánh giá cả Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nêu trên tuy có làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng mức ảnh hưởng không lớn. “Việc điều chỉnh này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước, đồng thời thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững”, theo văn bản Bộ Tài chính.

Theo tìm hiểu của Pháp luật Việt Nam, hiện nay thuế nhập khẩu thép xây dựng ở mức cao (25%, 20%, 15% tùy loại), còn thuế xuất khẩu ở mức 0%; điều này khiến thép xây dựng nước ngoài rất khó tiếp cận thị trường Việt Nam, còn thép trong nước vừa dễ tiếp cận thị trường trong nước vừa dễ xuất khẩu. Mức thuế xuất khẩu đối với phôi thép là 0%, trong khi đó nguyên liệu sản xuất phôi thép là quặng sắt và phế liệu sắt có thuế xuất khẩu là từ 15% - 40%. Điều này khiến các doanh nghiệp thép trong nước dễ dàng thu mua nguyên liệu để sản xuất phôi thép và thép xây dựng, đồng thời thuận lợi xuất khẩu phôi thép.

Nhiều doanh nghiệp thép đang lãi lớn nhờ bán được giá cao, có chính sách ưu đãi

Doanh nghiệp xây dựng ủng hộ Bộ Tài chính

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho biết, ông rất hoan nghênh đề xuất của Bộ Tài chính. Vị này cho rằng, chính sách xuất, nhập khẩu đã ưu đãi doanh nghiệp sản xuất thép trong nước trong một thời gian dài. Điều này hỗ trợ các doanh nghiệp này lớn mạnh và hiện đủ sức cạnh tranh. Tuy nhiên, khi ưu ái quá nhiều, một số doanh nghiệp có biểu hiện “làm quá” để hưởng lợi, khiến thị trường thép méo mó, ảnh hưởng chung đến nhiều ngành kinh tế. “Một số doanh nghiệp thép có thể nói là bậy(?!). Lợi dụng một số chính sách có lợi, phôi thép họ chủ yếu xuất khẩu để hưởng lợi còn để trong nước thiếu”, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nói và cho biết, đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thép xây dựng cao trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước ở một số bộ như Xây dựng, Công Thương đã loay hoay trong một thời gian chưa tìm được phương án thật sự tốt để hạ nhiệt giá thép. Tuy nhiên, nếu đề xuất trên của Bộ Tài chính được chấp thuận, chắc chắn giá thép sẽ được ổn định hơn và mang tính bền vững, lâu dài, xuất phát từ cơ chế chính sách.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, một tập đoàn xây dựng lớn có trụ sở ở Hà Nội khi biết tin Bộ Tài Chính có đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép và giảm thuế nhập khẩu thép xây dựng đã tỏ ra rất vui mừng, ủng hộ. “Đề xuất này của Bộ Tài chính rất hay, rất hợp lí. Nếu được chấp thuận, nhà nước đã có điều chỉnh bước một đúng đắn đắn để bình ổn thị trường thép”, vị này nói.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sau khi Bộ Tài chính có đề xuất trên, VSA đã đề nghị các hội viên có ý kiến để VSA tổng hợp, có ý kiến với Bộ Tài chính. Được biết, các doanh nghiệp ngành thép đa số đều không ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính.

Bà Trần Thị Hương Anh - Chuyên viên Phòng Chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu (Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài Chính) cho biết, đơn vị đang chờ ý kiến từ các bộ, ban ngành, các địa phương và các hiệp hội liên quan, sau đó sẽ tổng hợp các ý kiến này trước khi đề xuất nội dung điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng thép lên Thủ tướng Chính phủ. “Thời gian đề xuất còn phụ thuộc vào thời gian nhận được các ý kiến”, vị này nói.

Chính sách thuế đang ưu đãi doanh doanh thép trong nước thế nào?

Theo Bộ Tài Chính, năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam hiện nay đạt khoảng 24 triệu tấn/năm. Năm 2020, sản xuất phôi thép đạt 17,21 triệu tấn, đạt 70% năng lực sản xuất. Trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng phôi thép sản xuất trong nước đạt khoảng 7,13 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với phôi thép, sản lượng thép thành phẩm của Việt Nam cũng có mức tăng trưởng cao, sản lượng sản xuất năm 2021 tăng gấp 2 - 4 lần so với năm 2011 (tùy chủng loại). Năm 2020, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 10,11 triệu tấn; trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 3,93 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Chính sách hiện hành của Bộ Tài chính về thuế xuất, nhập khẩu với một số mặt hàng thép:

Về thuế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất thép (quặng, thép phế liệu, phôi thép) và thép xây dựng:

Theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, thuế xuất khẩu được áp dụng chủ yếu đối với những mặt hàng là tài nguyên, khoáng sản không tái tạo. Mức thuế xuất khẩu được xây dựng dựa theo nguyên tắc áp dụng mức cao đối với nguyên liệu, tài nguyên ở dạng thô và giảm dần đến các sản phẩm có mức độ chế biến cao hơn nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, tạo giá trị gia tăng trong nước. Theo nguyên tắc này, các mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắt thép đã được quy định như sau:

+ Mặt hàng quặng sắt thuộc nhóm 26.01, có mức thuế xuất khẩu 40%, bằng mức trần Khung thuế xuất khẩu.

+ Mặt hàng phế liệu sắt thuộc nhóm 72.04 có thuế xuất khẩu 15-17% bằng với mức trần Khung thuế xuất khẩu.

+ Mặt hàng phôi thép thuộc nhóm 72.06, 72.07 (bán thành phẩm) có thuế xuất khẩu 0%, Khung thuế suất thuế xuất khẩu là (0-40%).

+ Mặt hàng thép xây dựng (thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15, 72.16): Không có trong Danh mục khung thuế suất thuế xuất khẩu ban hành kèm Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nên mức thuế xuất khẩu áp dụng là 0%.

- Về thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép (quặng, thép phế liệu) và thép xây dựng:

Trên cơ sở các nguyên tắc quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thực trạng của ngành thép trong nước, tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép theo hướng: quy định mức thuế nhập khẩu 0% hoặc thấp đối với nguyên liệu (quặng, thép phế liệu) để khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng này cho sản xuất trong nước, mức thuế suất cao hơn đối với bán thành phẩm (phôi thép, thép thành phẩm để khuyến khích sản xuất phôi, thép thành phẩm trong nước (thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép thấp hơn thép thành phẩm).

Đối với các mặt hàng thép trong nước không sản xuất được (ví dụ thép hợp kim) quy định mức thuế suất 0% hoặc thấp để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, việc nhập khẩu sắt thép từ các thị trường này sẽ thực hiện theo mức thuế suất FTA tại các Hiệp định.

Doanh nghiệp thép báo lãi kỷ lục

Thời gian qua Tập đoàn Hòa Phát báo lãi liên tục và đạt những kỷ lục mới. Cụ thể, chỉ trong quý I/2021, Hòa Phát đã đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Thép Nam Kim đạt hơn 1.166 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, gấp 19,8 lần 6 tháng đầu năm 2020.

Minh Hữu