'Cần lãnh đạo biết điều hành báo chí như doanh nghiệp'

Theo Nieman Report, báo chí ngày nay đang tiến gần hơn đến cộng đồng của mình cả trực tuyến và trực tiếp, đồng thời đang cố gắng thực hiện tốt hơn việc lắng nghe những đối tượng mà họ đang phục vụ và cả những người chưa phục vụ. Báo chí cần những nhà lãnh đạo nỗ lực mang lại giá trị cho cộng đồng, đổi lại họ có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính.

“Chúng ta cần những nhà lãnh đạo có tư duy như người quản lý sản phẩm và hiểu rằng giá trị của một ấn phẩm được xác định bởi cộng đồng mà nó phục vụ”, bài báo của Nieman nêu rõ.

Có thể hoạch định chiến lược

Không giống như thời kỳ báo chí in ấn trước đây, lãnh đạo một tổ chức truyền thông ngày nay phải định hướng tổ chức đó vượt qua vô số thử thách để trở nên bền vững. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về tư duy chiến lược chưa bao giờ cấp thiết hơn thế.

Ông Kelly Ann Scott, cựu tổng biên tập và phó chủ tịch nội dung tại Alabama Media Group, người vừa được bổ nhiệm làm biên tập viên điều hành của tờ Houston Chronicle, cho biết: “Những người thực sự nắm vai trò lãnh đạo và thực sự tạo ra sự khác biệt cho các đơn vị báo chí là những người đặt ra chiến lược”. Tư duy chiến lược đã giúp các lãnh đạo tại Alabama Media Group, thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông quốc gia Advance Local, vạch ra lộ trình mới và bền vững hơn.

Vào năm 2023, Alabama Media Group đã ngừng sản xuất bốn tờ báo hàng ngày của mình. Hiện tại tổ chức này vận hành AL.com - trang tin tức chính, The Lede - bộ ấn phẩm điện tử hàng ngày cũng như các thương hiệu tập trung vào cộng đồng khác. Tổ chức này cũng đã ra mắt hai thương hiệu quốc gia gồm Reckon - đề cập đến công bằng xã hội và hoạt động tích cực, và It's a Southern Thing - một ấn phẩm về phong cách sống. Nó cũng điều hành một nhóm sản xuất phim có tên Advance Originals.

Ông Scott cho biết bằng cách tung ra các thương hiệu dành cho đối tượng và sở thích cụ thể, họ đã có thể xây dựng cộng đồng, tạo ra các cuộc thảo luận có ý nghĩa và giúp mọi người tìm thấy những điểm tương đồng trong bối cảnh phân cực lớn ngày nay. Tất cả điều này cũng đã giúp tạo ra sự bền vững.

“Bởi vì ngành này phải đối mặt với nhiều gián đoạn và biến động nên không nhất thiết người làm báo lành nghề sẽ đảm đương vị trí cao nhất mà có thể là người chỉ huy đứng ở vị trí thứ 2. Điều quan trọng hơn cả, người đứng đầu phải hiểu ngành đang hướng tới đâu và có tầm nhìn xa về cách tổ chức để có thể phát triển”, ông Scott nhấn mạnh thêm.

“Trong các tổ chức tin tức ngày nay, nếu nhà lãnh đạo không đặt ra những ưu tiên rõ ràng cho tòa soạn của mình và nhận thức rõ mục tiêu của mình, chu kỳ tin tức hàng ngày sẽ nuốt chửng họ, những rắc rối kinh doanh sẽ nuốt chửng họ, sự không chắc chắn về ngành sẽ nuốt chửng họ. Và sau đó họ chẳng còn ý nghĩa gì cả”, ông Scott nhận định.

Tư duy chiến lược, các loại lý thuyết và khuôn khổ nền tảng của gần như mọi chương trình giảng dạy ở trường kinh doanh không phải là một phần của việc đào tạo các nhà báo, điều đó khiến nhiều lãnh đạo báo chí không được đào tạo bài bản.

Ông Evan Smith, đồng sáng lập của The Texas Tribune, hiện là cố vấn cấp cao của cả Emerson Collective và The Texas Tribune, cho biết cần có các chương trình đào tạo chính quy hơn trong các trường báo chí về lãnh đạo doanh nghiệp. Theo ông Smith, đạo đức và sứ mệnh định hướng của các nhà báo khiến họ trở thành những CEO xuất sắc, nhưng chúng ta cũng cần những nhà lãnh đạo báo chí thoải mái kiếm tiền và thừa nhận rằng họ đang bán một sản phẩm.

Nhìn thấy cơ hội trong sự hỗn loạn

Các hãng thông tấn có đủ hình thức, quy mô và phải đối mặt với những thách thức khác nhau, đòi hỏi các chiến lược quản lý phù hợp. Nhưng họ cũng có nhiều câu hỏi hóc búa chung, chẳng hạn như tìm hiểu về í tuệ nhân tạo (AI) và phát triển các nguồn doanh thu mới.

Ngày nay, không chỉ mô hình kinh doanh và các công nghệ mới như AI đặt ra những thách thức cho ngành báo chí mà bối cảnh tin tức còn khiến cộng đồng kiệt sức và mất lòng tin.

Theo “Báo cáo Tin tức kỹ thuật số” của Viện năm 2023, niềm tin vào tin tức tiếp tục giảm trên toàn thế giới, với chỉ 40% người được khảo sát trên toàn thế giới cho biết họ luôn tin tưởng vào hầu hết các tin tức mà họ tiếp cận. Tại Mỹ, con số đó là 32% và tăng nhẹ 6% so với năm 2022. Phần Lan vẫn là quốc gia có mức độ tin cậy tổng thể cao nhất (69%), trong khi Hy Lạp có mức thấp nhất với chỉ 19%. Báo cáo này được thực hiện hàng năm và nghiên cứu ý kiến của hơn 93.000 người từ 46 quốc gia.

Ông Shirish Kulkarni, một nhà nghiên cứu đổi mới tin tức tại Đại học Cardiff ở Wales, coi vấn đề không phải là “tránh né tin tức” mà hơn thế nữa khi các độc giả tiềm năng trở thành “những người cảm thấy thất vọng khi đọc tin tức”.

Ông Kulkarni viết trong một bài luận cho Journalism.co.uk, rằng: “Độc giả đang đưa ra một quyết định hợp lý là không đọc các sản phẩm của chúng tôi. Thất bại đó thuộc về chúng tôi, nhưng điều đó cũng có nghĩa là có cơ hội để giải quyết sự thất vọng đó - phần lớn bằng cách kể những câu chuyện khác nhau theo những cách khác nhau”.

Tại Mỹ, khoảng 20.000 việc làm trong lĩnh vực truyền thông, không chỉ tin tức, đã bị mất vào năm 2023, gấp khoảng sáu lần so với năm trước. Theo một báo cáo gần đây, có khoảng hai đến ba tờ báo địa phương đóng cửa mỗi tuần ở Mỹ, để lại những vùng đất rộng lớn được gọi là “sa mạc tin tức”. Các hình thức khác tồn tại dưới dạng “phòng tin tức ma” dựa vào nội dung được chia sẻ hoặc tổng hợp mà không có một phóng viên cố định nào được trả lương.

Các kênh tin tức truyền hình vốn chưa được đầu tư nhiều vào kỹ thuật số cũng đang chịu áp lực khi sự chú ý của khán giả chuyển sang các kênh phát trực tiếp. Trong khi đó, các thương hiệu sinh ra từ kỹ thuật số, chẳng hạn như Vox và Vice, đã xây dựng hoạt động kinh doanh thông qua nền tảng xã hội đang phải thu hẹp hoạt động.

Trong bối cảnh đó, các tòa soạn báo cần có các nhà lãnh đạo tìm ra những cách thức mới để cung cấp thông tin khiến độc giả không muốn đóng tab trong trình duyệt của họ hoặc ngừng đăng ký theo dõi.

Bà Thompson-Morton thuộc Đại học Thành phố New York (CUNY) cho biết báo chí cần cần những nhà lãnh đạo thức thời, những người có thể bản địa hóa những gì họ thấy có hiệu quả ở nơi khác và tạo ra các giải pháp có thể nhân rộng.

Cần làm gì trước tiên?

Một câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta đang nói đến thế hệ tiếp theo có thực sự chỉ là thế hệ tiếp theo hay không? Báo chí ngày nay đang gặp khủng hoảng và nếu chúng ta chờ đợi những nhà lãnh đạo mới, chúng ta sẽ lãng phí thời gian.

Trong hành trình tìm kiếm sự bền vững, năm 2024 được cho sẽ là năm của những lựa chọn khó khăn và cần tính toán chiến lược trên bốn mặt trận: tập trung vào điều gì, ngừng làm gì, nơi nào cần cắt giảm chi phí và hợp nhất, nơi nào để đầu tư.

Bài báo của Nieman cho rằng báo chí cần những người nhà lãnh đạo biết nắm bắt các mô hình doanh thu mới, đồng thời cũng cần những nhà lãnh đạo hào phóng, tập trung phát triển sự nghiệp của nhân viên và nghiêm túc trong việc tạo ra môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập.

Minh Đăng