Cảng cá đóng vai trò quan trọng để gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu

Cán bộ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên kiểm tra thủ tục tàu đánh cá trước khi rời bến. Ảnh: Lệ Giang

Vẫn còn tàu thu mua “đi vòng”

“Qua mấy lần tôi đi theo Đoàn thanh tra của EC làm việc tại một số cảng cá ở các tỉnh, thấy việc kết nối giữa các cảng cá với doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản chưa chặt chẽ, kiểm soát tàu đánh cá ra vào cảng, quản lý dữ liệu hồ sơ còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng. Văn phòng kiểm soát IUU tại một số cảng cá cũng không có sự kết nối chặt chẽ về số liệu với các bộ phận khác tại cảng” - bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu ra tại Hội nghị quản lý hoạt động khai thác tại cảng cá diễn ra mới đây.

Theo bà Nhung, Đoàn thanh tra của EC làm việc rất sâu, vào tất cả các ngóc ngách của công tác quản lý tàu cá và các hoạt động khai thác thủy sản của chúng ta. Chẳng hạn, họ kiểm tra hồ sơ theo chuỗi mặt hàng của doanh nghiệp, trong đó có giấy tờ chứng minh nguồn gốc cá khai thác ở vùng biển nào, an toàn thực phẩm..., kiểm tra 5 bộ hồ sơ, thì có 4 hồ sơ bị lỗi.

“Công tác giảm sát sản lượng thủy sản qua cảng có làm, nhưng một số cảng làm theo kiểu giám sát chung chung, trong khi đó, Đoàn thanh tra của EC kiểm tra tách ra từng loài rõ ràng. Ví dụ, cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng ở cảng gộp thành một loài là cá ngừ, phía EC không chịu kiểu làm tắt này. Cần phải phân tích sản lượng từng loài cụ thể thông qua cảng cá để tăng cường công tác kiểm soát hồ sơ theo chuỗi” - bà Nhung nêu vấn đề thực tiễn.

Còn câu chuyện thực tế của ông Tô Văn Lâm, Giám đốc cảng cá tỉnh Kiên Giang đưa ra như thanh minh, tỉnh này có 5 cảng cá, trong đó cảng Tắc Cậu và An Thới được chỉ định làm thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Vùng biển Kiên Giang rộng, nhiều đảo xa, là một trong 5 ngư trường đánh bắt lớn của nước ta, tàu của nhiều tỉnh tập trung đến Kiên Giang khai thác, đặt ra công tác quản lý đội tàu đánh cá ở vùng biển này còn nhiều khó khăn.

“Những chiếc tàu chuyển tải (thu mua) ra khu vực đảo Nam Du, Thổ Chu... mua cá từ tàu khai thác chở vào bờ bán lại. Một số tàu “đi vòng” đến những cảng cá nhỏ bán cá để ít bị kiểm soát hơn. Nhiều tàu cập vào cảng Tắc Cậu, An Thới, nhân viên quản lý cảng hỏi họ nguồn gốc cá, họ bảo thu mua từ tàu khai thác dưới 15m đánh bắt gần bờ, gần đảo nên không có giấy tờ truy xuất nguồn gốc” - ông Lâm lý giải.

Khác với một số cảng cá, cảng cá Hòn Rớ ở tỉnh Khánh Hòa có lưu lượng tàu đánh cá xa bờ cập cảng rất lớn, đặc biệt là đội tàu lưới vây khơi của các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, ú Yên, tàu câu mực của ngư dân tỉnh Quảng Nam... gần như “nằm vùng” ở ngư trường quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và cảng Hòn Rớ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao cách làm của cảng Hòn Rớ, khi tàu xuất bến, cập bến đều chú trọng công tác giám sát, quản lý đội tàu trên hệ thống, lưu trữ hồ sơ, phối hợp tại cảng.

Cảng cũ chưa đạt tiêu chí của Luật Thủy sản

“Đa số cảng cá được đầu tư xây dựng từ lâu nên so với các tiêu chí quy định của Luật Thủy sản vẫn còn thiếu nhiều hạng mục, không đáp ứng được yêu cầu quản lý, thực hiện các nhiệm vụ tại cảng cá. Ngoài ra, việc duy tu, sửa chữa định kỳ còn hạn chế; một số cảng cá có luồng lạch bị bồi lắng, song chưa được nạo vét kịp thời làm cho tàu cá ra - vào bốc dỡ hàng hóa, neo đậu gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn”

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản thông tin.

Không còn gì để giải thích

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ lâu, bộ đã chỉ đạo từng địa phương quản lý các đội tàu, gắn thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát lượng hải sản đánh bắt và truy xuất nguồn gốc chi tiết từ cảng cá, kho, nhà máy chế biến cho đến khi xuất khẩu. Đặc biệt, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là những việc rất cụ thể cho thấy, sang đợt kiểm tra thứ 4, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của EC.

Đến nay, Việt Nam có gần 98% tàu cá hoạt động vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (số tàu còn lại nằm bờ không đi khai thác). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp tài khoản truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu tàu cá cho các lực lượng chức năng, quản lý cảng cá trên toàn quốc, rất dễ kiểm tra thông tin tàu đánh cá đang hoạt động ngoài khơi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương: “Gần như tôi đã đi khắp các cảng cá ở các tỉnh, thành phố, có nhiều cảng đến lần thứ 2, thứ 3. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, ghi nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng hải sản qua cảng và xử lý vi phạm hành chính phải thực nghiêm túc, không làm theo hình thức đối phó. Đối với trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu tại các cảng cá, các địa phương cần phải nhanh chóng bổ sung để đáp ứng yêu cầu”.

Lệ Giang