Cảnh báo thủ đoạn làm giả tài liệu cho người nước ngoài để trục lợi

Đặc biệt, nhiều người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, đầu tư, sinh sống nhưng không tiến hành đăng ký làm thủ tục ở các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà gián tiếp thông qua các đối tượng chuyên tổ chức đường dây nhập cảnh trái phép bằng thủ đoạn làm giả các giấy tờ, tài liệu liên quan như căn cước công dân (CCCD), sổ hộ khẩu…, sau đó các đối tượng tiến hành làm các giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký doanh nghiệp, mở các tài khoản tại các ngân hàng.

Hành vi trên đã vi phạm pháp luật Việt Nam, đồng thời chính họ cũng là nạn nhân bị các đối tượng trên lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản.

Vụ án sau đây là một ví dụ điển hình: Ngày 1/7/2021, Công an phường ở quận Hà Đông, Hà Nội tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện có người Trung Quốc cư trú tại đường Ngô Quyền, phường La Khê, Hà Đông.

Quá trình kiểm tra, đối tượng xuất trình 1 CMND mang tên Nguyễn Văn A, SN 1977, quê quán Phúc Kiến, Trung Quốc do Công an Điện Biên cấp ngày 20/12/2018 và 1 CCCD cùng tên do Cục Cảnh sát ĐKQL cư trú DLQG về dân cư cấp ngày 25/10/2019.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy có dấu hiệu tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” và tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”, quy định tại Điều 348 và Điều 341, Bộ luật hình sự 2015.

Công an quận Hà Đông đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan An ninh điều tra – Công an Hà Nội để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ.

Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội đã thu giữ các loại giấy tờ giả bao gồm: CMND, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và các bản trích lục khai sinh của A cùng vợ con. Qua đó xác định đối tượng người Trung Quốc (có chứng minh giả là Nguyễn Văn A) nhập cảnh tên thật là Vương Long A, SN 1976, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Năm 2018, do có nhu cầu sang Việt Nam để kinh doanh và muốn đưa vợ con cùng sang nên A đã liên hệ với một người bạn Trung Quốc đang sinh sống tại Việt Nam nhờ làm thủ tục giấy tờ cho A cùng vợ con sang Việt Nam. Người bạn ấy nói với A nếu muốn qua Việt Nam kinh doanh và sinh sống thì cần làm các giấy tờ giả mang quốc tịch Việt Nam, chi phí để làm các giấy tờ này là 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ VNĐ). A đồng ý và chuyển số tiền này cho người bạn kia tại Trung Quốc.

Sau khi sang Việt Nam, A nhận 2 CMND của vợ chồng A và các bản trích lục khai sinh của các con. Sau đó sử dụng các giấy tờ giả này để tạm trú tại nhiều địa chỉ ở Hà Nội mà không làm thủ tục khai báo với chính quyền địa phương. A tiếp tục nhờ đối tượng làm CCCD, sổ hộ khẩu và hộ chiếu giả. Tuy nhiên chưa nhận được hộ chiếu giả thì đã bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện.

Trong quá trình ở Việt Nam, A đã dùng giấy tờ giả đăng ký địa chỉ tạm trú tại các địa chỉ khác nhau ở Hà Nội, đăng ký cho các con đi học, mở tài khoản tại các ngân hàng và thành lập 2 công ty tại Việt Nam.

Ngày 15/6/2021, TAND TP Hà Nội tiến hành xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Vương Long A 18 tháng tù giam và trục xuất về nước sau khi bị cáo chấp hành xong hình phạt.

Lợi dụng nhu cầu của người nước ngoài để làm giả tài liệu, trục lợi

Theo Thạc sỹ - Luật sư Võ Ngọc Dao – Công ty Luật TNHH ATD, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, là luật sư bào chữa cho bị cáo Vương Long A trong vụ hình sự trên, vụ án trên là hồi chuông cảnh báo về thực trạng người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc khi có nguyện vọng vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và sinh sống nhưng do không hiểu rõ pháp luật của Việt Nam nên đã bị các đối tượng lợi dụng lòng tin, lôi kéo vào việc làm giả, sử dụng các loại giấy tờ giả để làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.

Sự không hiểu biết và ý thức chủ quan đó đã vô tình khiến họ vừa vi phạm pháp luật nước sở tại, vừa bị các đối tượng lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản. Hành vi làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, xảo quyệt đến mức nhìn bằng mắt thường thì khó thể phát hiện ra, với những đường dây làm giả có quy mô và tính chất ngày càng lớn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp và sử dụng công nghệ cao. Chính hành vi làm giả các loại giấy tờ, tài liệu này đã tạo cơ hội cho nhiều đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả như CMND, CCCD... để thực hiện hành vi phạm tội.

TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử một vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước.

Điều 341 Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc trường hợp tăng nặng theo khoản 2 thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm; khoản 3 từ 3 đến 7 năm.

Nhận diện các hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu giả

Cũng theo Luật sư Võ Ngọc Dao, việc làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân. Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giống với con dấu, tài liệu, giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân. Các yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cơ bản cũng không quá khác nhau.

Theo đó, khách thể bị xâm phạm là hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Bảo vệ sự an toàn của con dấu và các tài liệu, giấy tờ trên cũng chính là bảo đảm sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu và các loại tài liệu, giấy tờ này. Đối tượng tác động của tội phạm này là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả.

Về mặt khách quan, hai tội danh được thực hiện bởi hai hành vi khác nhau: hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng tương tự như đối với tội sản xuất hàng giả quy định tại Điều 192, Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ “hàng” được làm ra không phải là “hàng hóa” mà là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ. Vì vậy, khi xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức có bị làm giả hay không phải căn cứ vào con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có thật. Nếu cơ quan tổ chức không có con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó thì cũng không thể coi hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ là hành vi làm giả được, vì không có thật thì cũng không có giả.

Luật sư Võ Ngọc Giao, Công ty Luật ATD

Khi xác định hành vi làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng cần chú ý: Nếu người phạm tội chỉ làm giả con dấu thì chỉ định tội là “làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”, nếu người phạm tội chỉ làm giả tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức thì chỉ định tội là “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” mà không định tội danh đầy đủ như điều luật quy định.

Đối với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân cũng tương tự như đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự. Điểm khác ở chỗ, người có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân không nhằm chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như dùng bằng tốt nghiệp giả để xin việc, để được bổ nhiệm, để tăng lương, để được đi lao động ở nước ngoài; làm giả sổ hộ khẩu để được mua nhà ở thành phố, để được giao đất trồng trồng rừng…

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản tội phạm này nhưng hậu quả lại là tình tiết định khung hình phạt. Do đó, việc xác định hậu quả do hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức gây ra là rất cần thiết để định khung khi truy tố, xét xử.

Để xác định hành vi phạm tội cần dựa trên các quy định của Nhà nước về con dấu, về tài liệu hoặc các giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp việc xác định gặp khó khăn cần trưng cầu giám định tư pháp để xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có phải là giả hay không.

Qua các vụ việc trên, các nhà đầu tư, người nước ngoài khi có nhu cầu vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và sinh sống cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời phải tiến hành làm hồ sơ, thủ tục đề nghị tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành các thủ tục hành chính. Không nên thông qua các đối tượng khác nhằm tránh bị lừa đảo và có nguy cơ vi phạm pháp luật. Nếu cần thiết thì có thể liên hệ đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và các Công ty, văn phòng luật sư của Việt Nam để được tư vấn pháp lý.

Hoàng Tố Uyên (Công ty Luật TNHH ATD, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)