Chàng 'Đam San' bước ra từ buôn làng

R’cơm Bus trẻ tuổi và mạnh mẽ, giản dị mà rất nồng nàn khắc họa hình tượng chàng Đam San trong sử thi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chàng “Đam San” hiện đại của rừng

Tiếng tù và bỗng dưng ở đâu cất lên khiến cả khoảng rừng im ắng bỗng sống dậy, từ trong bóng cây, một bóng người bước ra đầy bất ngờ. Mái tóc dài bồng bềnh được sợi dây thổ cẩm quấn ngang vầng trán, nước da ngăm và đôi mắt sáng, tiếng chàng trai bỗng vang lên lời gọi Yang bừng bừng lửa sống. Hiên ngang, vững chãi như con nai rừng trên phiến đá, đôi tay rắn rỏi và bước chân mạnh mẽ, R’cơm Bus bước ra cất tiếng gọi Yang như chàng Đam San thuở nào của núi rừng ây Nguyên in đậm trong tâm trí từng người những đêm khan.

“Ơi Yang, hãy cho con nước đầy lên để người dân trồng cấy, hãy cho cái suối đầy cá, cái rẫy đầy lúa, cái bụng người J'rai được ấm no, cho tiếng chiêng rộn rã hơn trong bản làng, cho điệu xoang tròn hơn giữa nồng nàn men rượu cần, cho cái cây rừng hân hoan vơi gió, cho con nai, con hoẵng mơn man uống nước, cho người với người gần nhau hơn và yêu thương nhau nhiều hơn...” - R’cơm Bus thổi tiếp tràng tù và rồi đưa tay lên trời để cảm tạ Yang trời, Yang đất ban xuống nơi này sự sống và đủ đầy.

Hơn 21 tuổi, hoang dã và mộc mạc như cây rừng, rắn rỏi và nồng nàn như bước ra từ huyền thoại, chàng trai trẻ mắt sáng, da nâu hừng hực lửa như mang dáng dấp chàng Đam San trong sử thi với nhiều chiến công hiển hách đã để lại những dấu chân mình trên núi đồi, thảo nguyên mênh mông. Tây Nguyên xanh thẳm của dãy Trường Sơn một miền ký ức huyền thoại, nơi những trường ca sử thi “chảy” bất tận qua thời gian, không gian với những dấu chân còn ghi lại đó những bản trường ca hằng đêm bên bếp lửa bập bùng.

Chàng trai trẻ R’cơm Bus với hình dáng và sự hoang dại chân chất của người Tây Nguyên như hóa thân từ huyền thoại chất chứa niềm tin về cuộc sống tươi đẹp, về cái ác cuối cùng sẽ bị tiêu diệt, chàng dũng sĩ Đam San với nhiều chiến công hiển hách đã để lại những dấu chân mình trên núi đồi, thảo nguyên mênh mông ngày nay. Khi R’cơm Bus thổi tù và, hát khan, đắm mình trong ching chiêng giữa dòng thác, có cảm giác như Đam San bằng xương, bằng thịt đang ở đâu đó giữa núi rừng.

Số phận của R’cơm Bus cũng không phải huy hoàng như lũ bạn cùng trang lứa. Trong căn nhà nhỏ của gia đình 6 người ở góc làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), Bus lớn lên bằng cuộc sống khó khăn khi bố mất sớm, Bus ngày ngày chăm chỉ lên rẫy cùng mẹ trồng lúa, tra bắp rồi nghỉ học từ năm lớp 10 vì cuộc sống khó khăn. Nỗi buồn và cả những trăn trở đã khiến cho chàng trai dù còn khá trẻ nhưng gương mặt lại đượm chất phong sương của núi rừng. Sống cuộc sống khó khăn từ nhỏ, Bus sớm học được các kỹ năng sinh tồn nên những hành động đu dây mạo hiểm trên những nhánh cây, hay việc săn bắt bằng tay không đều được thực hiện một cách tự nhiên.

Những thước phim mà Bus cùng bạn bè ghi lại mỗi khi rảnh rỗi đều mang hơi thở, văn hóa, đặc trưng của cách sống những đồng bào Tây Nguyên bao đời. Những video chơi nhạc, nhảy múa, ca hát bên cạnh những con suối, con thác hay bất kỳ đâu ở trong rừng được Bus và bạn bè đăng tải trên mạng xã hội đã khiến nhiều người xem thích thú. Và dường như, chàng trai với mái tóc dài bồng bềnh, với chiếc khố áo thổ cẩm, với từng động tác đánh chiêng, đánh trống H’gor đi vòng quanh đống lửa bập bùng, cùng một giọng hát nội lực, mang hơi thở của người con núi rừng đã khiến nhiều người mường tượng ra một chàng Đam San của Tây Nguyên thời hiện đại.

Bus bảo, chỉ mong muốn xây dựng, truyền tải những hình ảnh về vẻ đẹp núi rừng và con người Tây Nguyên một cách tự nhiên, chân thực nhất. Và cứ thế, những hình ảnh hay clip R’cơm Bus ngân nga bài hát Tây Nguyên cùng đàn ghi ta trong rừng sâu, thổi chiếc tù và sừng trâu bên ngọn thác hùng vĩ, có khi trổ kỹ năng đánh đàn T’rưng điêu luyện hay uyển chuyển múa xoang bên ánh lửa đã khiến mọi người như được trở về với một huyền thoại của đại ngàn xanh thẳm.

Mong ước cao nguyên

Trẻ tuổi và mạnh mẽ, giản dị mà rất nồng nàn, R’cơm Bus đã truyền tải, lan tỏa được năng lượng tích cực từ phong cách sống, phát huy khả năng sáng tạo của người trẻ đồng bào dân tộc thiểu số trong thời đại công nghệ số với sức mạnh của mạng xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, quảng bá giá trị bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc J’rai đến nhiều người. Ngôi làng nhỏ Pleiku Roh nằm giữa phố núi cao nguyên, nơi vẫn gìn giữ đầy đủ những nét văn hóa J’rai giữa lòng phố thị. Ở đó có những nghệ nhân đau đáu với nỗi niềm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân trẻ R’cơm Bus đang nỗ lực hết mình gìn giữ bản sắc văn hóa, cội nguồn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bus may mắn được người anh, người thầy và cũng là nghệ nhân uy tín ở làng chỉ bảo, dìu dắt nên thấm cả cái lời, cái tình, cái chất của người J’rai trong bụng. Nghệ nhân Siu Thưm, người thầy của Bus cũng không giấu nổi niềm tự hào về chàng học trò nhỏ của mình, với khả năng cảm âm, thính giác nhạy bén, bản sắc văn hóa dân tộc đã ngấm trong máu mà tài năng của Bus càng được bộc lộ, phát huy rõ. Nghệ nhân Siu Thưm cười và nói về Bus như thế khi nhìn chàng trai trẻ cháy hết mình trong điệu chiêng J’rai.

Bus tham gia đội cồng chiêng của làng, nhưng không chỉ cồng chiêng, chàng trai trẻ còn thành thạo hơn 10 loại nhạc cụ dân tộc như đàn đá, T’rưng, sáo, krong put, trống H’gor... để biểu diễn trong làng, trong phố hay đi những địa phương khác. Như cánh chim Ch’rao giữa bầu trời tự do hay ngọn gió lang thang trên thảo nguyên, Bus rất thích được đi đây đi đó, kể cho mọi người nghe những câu chuyện tinh tế bằng âm nhạc cồng chiêng, bằng tiếng đàn của dân tộc, buôn làng mình.

Mỗi tối cuối tuần, chàng trai trẻ lại cùng nhóm nghệ nhân trong làng biểu diễn cồng chiêng ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku). Bus cũng đại diện tỉnh Gia Lai biểu diễn tiết mục cồng chiêng tại Tuy Hòa (Phú Yên) trong chương trình Quảng bá kết nối du lịch các thành phố Tây Nguyên - Tuy Hòa năm 2023. Tháng 9/2023, Bus cùng đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai mang cồng chiêng Tây Nguyên sang Hàn Quốc tham dự Festival âm nhạc thế giới, hay trước đó là chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật “Gặp gỡ Gia Lai - Nhật Bản”...

Nếu như chàng Đam San trong sử thi anh hùng bất khuất, chống lại kẻ thù, bảo vệ người thân và buôn làng, thì chàng “Đam San” hiện tại cũng hiên ngang không kém khi đang nỗ lực hết mình gìn giữ bản sắc văn hóa, cội nguồn. Bus trở thành người truyền cảm hứng về tinh thần, ý chí, lòng tự tôn dân tộc cho nhiều người trẻ Tây Nguyên yêu mến văn hóa và cuộc sống của đồng bào nơi này. Bus cũng ấp ủ nhiều dự định phối hợp với nhiều đơn vị media để quay, dựng lại những thước phim độc đáo về văn hóa, phong tục, con người Tây Nguyên, để đưa những hình ảnh, thước phim ấy đến gần hơn với bạn bè khắp nơi.

Đến giờ, nghệ nhân trẻ R’cơm Bus không nhớ nổi mình đã được trao tặng bao nhiêu giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Với chàng trai trẻ này, cội nguồn là quan trọng, nếu mất đi, dù nhiều tiền, cuộc sống cũng chẳng còn ý nghĩa. Như chàng “Đam San” thời hiện đại, dám nghĩ dám làm, sống trọn đam mê và không ngừng truyền cảm hứng về tình yêu văn hóa dân tộc cho giới trẻ trong cộng đồng người Tây Nguyên.

Tiêu Dao