Chàng trai 9X tạo tiểu cảnh độc đáo từ công nghệ in 3D

Đánh thức đam mê nghệ thuật

Tốt nghiệp ngành Tự động hóa của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2013, Hoàng Anh Tuấn bắt đầu công việc với một cơ quan nhà nước. Vốn là người luôn tìm tòi những thứ mới mẻ, yêu thích nghệ thuật, sau một thời gian ngắn làm việc, anh Tuấn đã quyết định nghỉ việc và theo đuổi đam mê của riêng mình.

Nghỉ việc nhà nước với “ba phần tự tin, bốn phần liều lĩnh”, Hoàng Anh Tuấn dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm ít ỏi 30 triệu đồng của mình, cùng hai người bạn bắt tay mở một cửa hàng thủy sinh nhằm thỏa mãn đam mê nghệ thuật và sở thích cá nhân.

Anh Hoàng Anh Tuấn (bên trái) cùng bạn đồng hành bắt tay sáng tạo sản phẩm tiểu cảnh 3D được rất nhiều người yêu thích.

Thế nhưng hành trình tìm lại đam mê của anh không hề dễ dàng như vậy. Bắt đầu khởi nghiệp với lĩnh vực hoàn toàn mới, kinh nghiệm non trẻ, làm việc theo lối mòn, anh liên tiếp gặp phải những thất bại. Nhận thấy những nhược điểm của sản phẩm thủy sinh thông thường rất cồng kềnh, giá trị mặt hàng cao, không tiếp cận được đối tượng khách hàng, anh quyết định chuyển hướng sáng tạo sản phẩm của riêng mình.

“Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu tôi có nhiều cảm hứng xuất phát từ những thứ đời thường như ánh đèn soi xuống mặt hồ, kiến trúc cổ mái đình Việt Nam... và tiểu cảnh 3D ra đời từ đó. Tôi quyết định mày mò công nghệ để tối ưu chi phí sản xuất sản phẩm, từ đó tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Tiểu cảnh 3D là sự kết hợp gốm sứ Bát Tràng với bonsai, mô hình nhà cửa, cổ trấn, thác nước, khói bay... mang tới sự độc đáo, khác biệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để có được những sản phẩm hoàn hảo như ngày hôm nay, anh Tuấn đã mất 2 năm nghiên cứu. “Tôi đã tự làm tất cả mọi thứ trong lần khởi nghiệp này. Số vốn ít ỏi, tôi không thể thuê người hay mua các trang thiết bị cần thiết mà phải tự học và tự làm mọi thứ từ đồ họa, các thiết bị in 3D, thiết kế, sản xuất, bán hàng hay ship hàng… và để theo đuổi mục tiêu của mình tôi phải làm thêm các nghề phụ để có chi phí thử nghiệm”, anh kể lại.

Thời điểm khó khăn nhất chính là thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Anh không thể bán hàng, không còn tiền để duy trì cửa hàng. Áp lực “cơm áo gạo tiền” khiến anh mất ăn mất ngủ, sụt cân nghiêm trọng, thậm chí có lúc phải nhập viện.

Sử dụng kỹ thuật in 3D và thiết kế mạng tới các mô hình sản phẩm độc lạ, nhiều chi tiết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vực dậy sau những khó khăn đó, anh tìm lại được đam mê, khắc phục những sai lầm từ trước và đã thành công với tiểu cảnh 3D được nhiều người ưa chuộng. “Nhìn lại quá trình mình đã đi, tôi nhận ra nếu muốn thành công mình cần có sản phẩm của riêng mình và không nên đi theo lối mòn và copy mô hình nào có sẵn”, anh tâm sự.

Thành công sau những nỗ lực

Sau những nỗ lực nghiên cứu, sản phẩm tiểu cảnh 3D đầu tiên được ra mắt vào tháng 6-2022 được rất nhiều người quan tâm, yêu thích. Đến nay, nhóm của anh làm đã có gần 20 thành viên và xuất ra thị trường nhiều sản phẩm với các thiết kế sinh động, bắt mắt, được nhiều người săn đón.

Mô hình tiểu cảnh được làm từ công nghệ 3D được nhiều khách hàng săn đón.

Anh Nguyễn Anh Đức (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tiểu cảnh Thiên Mộc mang tới sản phẩm vô cùng độc đáo, mới lạ. Tôi đã mua 2 sản phẩm tại đây và rất hài lòng. So với những sản phẩm thủ công truyền thống, những mẫu tiểu cảnh được tạo bằng công nghệ 3D vô cùng sinh động với sự kết hợp hài hòa giữa cây bonsai, mô hình nhà cửa, cổ trấn, thác nước, khói bay mang tới sự khác biệt tạo ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên".

Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết, để có sản phẩm tiểu cảnh 3D hoàn thiện cần trải qua rất nhiều công đoạn. Bắt đầu từ việc lên ý tưởng thiết kế sau đó sử dụng công nghệ VR Oculus kết hợp Blender để tạo ra mô hình 3D hoàn chỉnh nhất và mang đi in. Sau đó là thực hiện các bước thủ công như tô màu, lên rêu, trồng cây và gắn đèn, máy tạo khói...

Anh Tuấn cùng nhóm bạn miệt mài tạo ra những sản phẩm tiểu cảnh độc đáo tới tay khách hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Đối với các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện một tiểu cảnh nhiều chi tiết phức tạp. Nhưng công nghệ in 3D đã giải quyết được hết vấn đề đó và tạo ra những sản phẩm đẹp, nhẹ, nhanh nhất. Để hoàn thiện một sản phẩm mất khoảng 5 ngày nhưng cần một đội ngũ 10 người cùng nhau làm việc”, anh Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Nguyên liệu chính làm mô hình tiểu cảnh này chủ yếu là nhựa PLA, nhựa Resin với ưu điểm bền và nhẹ. Bên cạnh đó, anh ưu tiên sử dụng những loại chất liệu như gốm sứ Bát Tràng Hà Nội, đá sỏi cuội... để mang tới một sản phẩm mang dấu ấn riêng của Việt Nam.

Mỗi sản phẩm tiểu cảnh 3D có giá bán dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tiểu cảnh của nhóm chúng tôi không chỉ đơn giản là cá và nước mà còn có sự kết hợp sinh động với bonsai thật, mô hình tượng Phật, chim thú, cổ trấn, thác nước, khói bay…”, anh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Trong tương lai, anh mong muốn sản phẩm mô hình tiểu cảnh 3D của mình vươn tầm quốc tế. Những thiết kế mang đậm bản sắc Việt Nam sẽ giúp hình ảnh con người, đất nước Việt Nam vươn xa hơn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO