Chiến dịch tiễu phỉ sau giải phóng Lào Cai

Nhận thấy âm mưu gây phỉ là một vấn đề vô cùng phức tạp nên ngay từ đầu, Trung ương Đảng đã chỉ rõ: Vấn đề gây phỉ là âm mưu thâm độc, lâu dài của đế quốc cấu kết với tầng lớp phong kiến phản động vùng dân tộc thiểu số, làm cho ta rơi vào cái “bẫy nội chiến” và mưu đồ chiến tranh xâm lược của chúng, đồng thời cũng là vấn đề dân tộc, vấn đề quần chúng, vấn đề dân sinh. Đảng xác định chủ trương, biện pháp tiễu phỉ là: Phối hợp quân sự và chính trị, trong đó chính trị là căn bản, quân sự là hậu thuẫn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có chỉ thị nhấn mạnh: Phải có quân sự hậu thuẫn cho chính trị, bốn phần quân sự, sáu phần chính trị.

Đảng xác định chủ trương, biện pháp tiễu phỉ là: Phối hợp quân sự và chính trị, trong đó chính trị là căn bản, quân sự là hậu thuẫn.

Năm đầu tiễu phỉ (từ tháng 11/1950 đến hết năm 1951), bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương được dân quân, du kích và đồng bào dẫn đường hành quân xuyên rừng, vượt núi, hình thành thế bao vây, chia cắt các khu phỉ tập trung, kết hợp triệt đường tiếp tế, làm cho phỉ hoang mang, hoảng loạn, lực lượng tan vỡ dần. Chiến dịch tiễu phỉ đầu tiên kết thúc, ta giải phóng được Mường Khương, Pha Long và cả huyện Bắc Hà lần thứ hai, bước đầu làm tan rã lực lượng phỉ ở huyện Mường Khương và Bắc Hà.

Bước sang năm 1952, bộ đội ta mở chiến dịch tiễu phỉ trên biên giới Hà Giang - ào Cai nhằm đánh tan lực lượng phỉ ở miền Đông. Tổng Quân ủy Trung ương xác định mục tiêu và phương châm của chiến dịch là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng phỉ, giải phóng và tổ chức Nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc miền núi.

Tổng Quân ủy Trung ương cũng chủ trương dùng phương thức chính trị đi liền với phương thức quân sự, vừa đánh vừa tiến hành công tác dân vận làm sao tranh thủ được Nhân dân, cô lập được phỉ mới mong lực lượng chúng bị tiêu diệt. Với chủ trương đúng đắn dựa vào dân, kiên trì vận động giáo dục, thuyết phục và phát động quần chúng tiễu phỉ, tinh thần đồng bào các dân tộc từ chỗ hoang mang, lo sợ còn che giấu cho phỉ, trốn tránh ta đến chỗ ủng hộ ta mạnh mẽ và tham gia tiễu phỉ thắng lợi. Kết thúc chiến dịch, ta đã giải phóng toàn bộ khu vực bị phỉ uy hiếp và chiếm đóng ở huyện Bắc Hà và Mường Khương.

Tiếp đà thắng lợi, từ tháng 1/1953 đến tháng 1/1954, cán bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang Lào Cai bước vào chiến dịch tiễu phỉ lớn lần thứ ba, chống âm mưu phỉ hóa Nhân dân của đế quốc áp - Mỹ, bảo vệ hậu phương trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Hướng chính của chiến dịch là từ huyện Bát Xát vào Phong Thổ (Lai Châu), hướng quan trọng là Sa Pa, hướng kết hợp là Đá Đinh, Đồng Hồ, Cam Đường.

Phương châm tiễu phỉ được xác định rõ là quân sự chính trị song song, chính trị là căn bản, quân sự là hậu thuẫn, đồng thời thực hiện tốt chính sách dân tộc, dân vận, chính sách đối với từng loại phỉ, chính sách khoan hồng. Kết thúc chiến dịch, ta đã đánh tan những cụm phỉ trên hành lang Sa Pa - Bát Xát - Phong Thổ; thông đường cơ động từ Lào Cai đi Lai Châu phục vụ Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, giải vây các thị trấn và thị xã Lào Cai, giữ vững đường giao thông quốc tế Lào Cai - Vân Nam.

Đầu tháng 2/1954, quân đội Pháp đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn ở Điện Biên Phủ nên chúng các đẩy mạnh hoạt động phỉ ở Lào Cai để cứu vãn tình thế và chuẩn bị cơ sở phản động phục vụ cho kế hoạch hậu chiến. Được hậu thuẫn, từ cuối tháng 4/1954, phỉ hoạt động mạnh và thực hiện kế hoạch đánh chiếm miền Tây, nổi phỉ miền Đông gây cho ta nhiều khó khăn.

Thắng lợi trong công tác tiễu phỉ của quân và dân Lào Cai đã góp phần củng cố hậu phương vững chắc, là sự phối hợp nhịp nhàng với mặt trận Điện Biên Phủ tiêu diệt một bộ phận lực lượng quan trọng vòng ngoài của địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch lịch sử.

Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, hàng ngũ phỉ bắt đầu dao động, lo sợ. Trước tình hình trên, tháng 8/1954, Tỉnh ủy quyết định mở chiến dịch tiễu phỉ với phương châm lấy chính trị làm chủ yếu, quân sự làm áp lực, kiên quyết tiêu diệt lực lượng phỉ ngoan cố không chịu ra hàng. Với phương châm, sách lược đúng đắn, được Nhân dân ủng hộ, đến tháng 5/1955, ta đã giải phóng toàn bộ vùng phỉ chiếm đóng, chính quyền được củng cố, bộ đội địa phương, dân quân, du kích ngày càng trưởng thành phát triển. Âm mưu phỉ hóa toàn dân thất bại.

Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhấn mạnh: Thắng lợi trong công tác tiễu phỉ của quân và dân Lào Cai đã góp phần củng cố hậu phương vững chắc, là sự phối hợp nhịp nhàng với mặt trận Điện Biên Phủ tiêu diệt một bộ phận lực lượng quan trọng vòng ngoài của địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch lịch sử.

Trong cuốn sách Tổng kết công tác tiễu phỉ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cố Bí thư Tỉnh ủy Tráng A Pao đã viết: "Đó là cuộc chiến đấu dai dẳng đầy gian khổ hy sinh nhưng điều quan trọng là ta đã biết khắc phục khó khăn, chọn phương pháp, cách đánh phù hợp để giành thắng lợi. Nhiều kinh nghiệm quý đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị".

* Bài viết sử dụng tư liệu cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh (Nxb Quân đội nhân dân) và cuốn Tổng kết công tác tiễu phỉ trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Nxb Quân đội nhân dân).