Chiều nay diễn ra Hội thảo 'Phát triển làng nghề: Cân bằng kinh tế và môi trường'

Theo ộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, mang trong mình những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa lâu đời. Làng nghề đã và đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch, phát triển làng nghề cần phải gắn với bảo vệ môi trường.

Ngày 7.7.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Trong đó, phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững là một trong các nhiệm vụ cần thực hiện trong bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Trên tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhiều địa phương đã và đang cố gắng tìm cách ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm từ các làng nghề. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động sản xuất ở các làng nghề đều có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, thiếu công trình hạ tầng thu gom và xử lý nước thải... nên các làng nghề trở thành “điểm nóng” ô nhiễm, thậm chí là nguồn cơn cho “làng ung thư” hiện diện...

Nhằm tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trao đổi, đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động của làng nghề, từ giải pháp thay đổi nhận thức cho người dân đến những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch... Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Phát triển làng nghề: Cân bằng kinh tế và môi trường. Từ đó, có phương án quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề đối với cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường.

Song Hà