Chính phủ Cô-lôm-bi-a đối mặt nhiều thách thức

Tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại Cô-lôm-bi-a. Ảnh AA.COM.TR

Như nhiều quốc gia Mỹ la-tinh khác, Chính phủ Cô-lôm-bi-a đang phải vất vả đối phó "thách thức kép" từ đại dịch Covid-19 và khó khăn kinh tế. Cải cách chính sách thuế được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ quốc gia Nam Mỹ này, tuy nhiên lại không nhận được sự đồng thuận từ phía nhân dân.

Giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ Cô-lôm-bi-a đưa ra đề xuất cải cách thuế mới. Theo Tổng thống Cô-lôm-bi-a I.Đu-kê, cải cách thuế là "điều cần thiết để duy trì các chương trình xã hội", trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Cô-lôm-bi-a năm 2021 dự kiến sẽ tăng. Chính phủ hy vọng, việc tăng thuế sẽ giúp thu về khoảng 6,3 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2031, từ đó có thêm khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp và các gia đình nghèo để giảm thiểu tác động từ đại dịch, đồng thời hỗ trợ quá trình tái thiết nền kinh tế lớn thứ tư khu vực Nam Mỹ.

Các dự luật chính về cải cách thuế của chính phủ bao gồm tăng thuế xăng dầu và thuế các tiện ích tại các khu dân cư của tầng lớp trung lưu, tính thuế thu nhập cá nhân với những người có thu nhập từ 700 USD/tháng, thu thuế tài sản với những cá nhân có giá trị tài sản ròng từ 1,3 triệu USD trở lên... Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải chỉ trích mạnh mẽ khi hướng trực tiếp tới các đối tượng thuộc tầng lớp trung lưu và dân lao động, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19. Người dân yêu cầu chính phủ tăng thuế doanh nghiệp và giảm chi tiêu quân sự, thay vì đánh thuế tầng lớp trung lưu và lao động; bên cạnh đó là mong muốn mức lương cao hơn, hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn, việc làm ổn định hơn và chính phủ cần chi nhiều tiền hơn cho giáo dục công.

Theo Cục Thống kê hành chính quốc gia Cô-lôm-bi-a, quy mô GDP nước này trong năm 2020 là 271,463 tỷ USD, giảm 6,8% so GDP năm 2019 - mức sụt giảm thấp nhất trong vòng 50 năm qua, phần lớn do các biện pháp hạn chế của chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ước tính, 42,5% trong tổng số 50 triệu dân Cô-lôm-bi-a đang phải sống trong cảnh nghèo đói. Tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lên mức 16,8% trong tháng 3 vừa qua.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều cuộc biểu tình và đình công phản đối đề xuất cải cách thuế của chính phủ đã diễn ra trên toàn quốc. Theo số liệu trên trang thống kê worldometers.info, Cô-lôm-bi-a ghi nhận hơn ba triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 82 nghìn người chết. Số ca nhiễm mới thời gian gần đây không ngừng tăng và các khu chăm sóc đặc biệt trên cả nước đều phải hoạt động hết công suất. Các chuyên gia y tế Cô-lôm-bi-a lo ngại, các cuộc biểu tình với quy mô lớn có thể làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh.

Trước sức ép mạnh mẽ từ dư luận, Tổng thống Cô-lôm-bi-a I.Đu-kê đã yêu cầu rút lại đề xuất cải cách thuế, đồng thời đề xuất soạn thảo lại dự luật mới về vấn đề này. Sau đó, chính phủ cũng mời đại diện của tất cả các đảng phái chính trị tham dự một cuộc đối thoại quốc gia, với mong muốn lắng nghe ý kiến của tất cả các bên và đưa ra lập trường của mình để tìm hướng giải quyết một cách hòa bình. Tuy vậy, làn sóng phản đối vẫn lan rộng tại nhiều thành phố. Những người tham gia mong muốn chính phủ phải có những thay đổi chính sách xã hội để cải thiện cuộc sống người dân. Trước tình hình căng thẳng tại Cô-lôm-bi-a, nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên hiệp châu Âu, các tổ chức chính trị, công đoàn và tôn giáo khắp nơi trên thế giới đều lên tiếng kêu gọi hòa giải bằng đối thoại ở quốc gia này.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của thế giới nói chung và Cô-lôm-bi-a nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, sự thành bại sẽ không chỉ dựa vào các quyết sách của chính phủ mà còn cần sự đồng thuận, đồng lòng từ phía người dân. Bởi vậy, việc xây dựng một chính sách cải cách kinh tế phù hợp và hài hòa giữa mong muốn của chính phủ và lợi ích của người dân sẽ là bài toán khó nhưng cần sớm có lời giải với những người đứng đầu quốc gia Nam Mỹ này.

HUY VŨ