Cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài

Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng ban soạn thảo cho biết, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế, dự thảo Luật quy định cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài.

Đồng thời, phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định về điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, tư duy sáng tạo của người học.

Điều 24 dự thảo Luật nêu rõ: Xây dựng và phát triển giáo dục, đào tạo Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; cơ sở giáo dục có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục và cơ chế quản lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Dự thảo Luật đưa ra nhiều cơ chế, chính sách với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Ảnh: T.P

Đồng thời, đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí; cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài…

Tạo cơ chế để phát triển giáo dục và đào tạo

Góp ý nội dung về giáo dục đào tạo trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), GS.TS Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Dự thảo Luật có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với lĩnh vực đào tạo để phát triển đất nước nói chung và của Thủ đô trong thời gian tới nói riêng.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, tại Điều 24 “Phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô” đã quy định “xây dựng cơ sở giáo dục tiên tiến hiện đại và có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô” với đầy đủ các quy định liên quan đến sử dụng đất đai, trong đó có miễn thuế đất 10 năm đầu, miễn 50% thuế thu nhập, đầu tư của doanh nghiệp, liên kết quốc tế, hỗ trợ học phí cho học sinh bậc mầm non và trung học phổ thông, học bổng, cơ chế tài chính đối với giáo dục thông minh, giáo dục chất lượng cao, tiêu chí về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên, điều kiện thuê giáo viên nước ngoài...

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, đây là cơ chế rất quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo công lập của Thủ đô với lợi thế là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước.

Để có cơ sở giáo dục tiên tiến hiện đại thì việc đầu tiên cần có nhân lực đào tạo cho các cơ sở đó, vì vậy Dự thảo Luật cần làm rõ thêm việc đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, giảng viên và cán bộ phục vụ tại các cơ sở đó. Đồng thời, cần nhấn mạnh thêm các quy định về nguồn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo, hợp tác giữa Thủ đô với các địa phương khác trong cả nước và hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo quốc tế.

Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, Luật Giáo dục đại học đã quy định hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Luật Thủ đô nên xem xét làm rõ các quy định ưu tiên và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học.

Đồng thời xem xét bổ sung quy định đặc thù cho phép các trường đại học tự chủ khai thác nguồn lực đất đai, cơ sở vật chất và nhân lực chất lượng cao trong liên doanh, liên kết, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học nhằm phát triển kinh tế xã hội Thủ đô nhanh và bền vững.

“Định vị” vị trí của giáo dục, đào tạo của Thủ đô

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, mục tiêu của phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô là “Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế” là phù hợp. Tuy nhiên, nên xem xét bổ sung thêm khía cạnh bản sắc văn hóa của người Hà Nội, người Việt Nam trong mục tiêu giáo dục, bên cạnh các mục tiêu về đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, cũng cần xem xét “định vị” vị trí của giáo dục, đào tạo của Thủ đô, đặc biệt là giáo dục đại học trong tổng thể nền giáo dục của đất nước. Trong các điều khoản triển khai mục tiêu giáo dục và đào tạo này, cần làm rõ hơn trách nhiệm của Thành phố trong việc đầu tư cho các cấp học; quy định về quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục các cấp cho Hà Nội gắn liền với quy hoạch đô thị và quy mô dân số; nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô…

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương cho rằng, cần xem xét “định vị” vị trí của giáo dục, đào tạo của Thủ đô, đặc biệt là giáo dục đại học. Ảnh: T.P

Cùng góp ý về nội dung giáo dục đào tạo trong dự án Luật, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Hà Nội là thành phố lớn, lại có nông thôn, có các khu công nghiệp, thậm chí có cả miền núi, có các cộng đồng dân tộc khác nhau. Đây là cơ hội tốt để Hà Nội đi đầu xây dựng các mô hình giáo dục phù hợp và trên cơ sở đó phát triển ở các địa phương khác.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh góp ý, ngoài việc Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường liên cấp, có thể xây dựng các trường nghề phù hợp với các khu vực phát triển khác nhau gắn bó chặt chẽ với giáo dục phổ thông; các trường trung học phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, Luật cần làm rõ, Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp; được quyền đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của địa phương theo cơ chế riêng; được quyền sắp xếp lịch học phù hợp. Hà Nội cũng cần được phép tạo sự liên thông, liên kết với hệ thống giáo dục khu vực và quốc tế và được phép điều chỉnh chương trình phù hợp theo thông lệ quốc tế ở mức độ cơ bản; được phép ký kết đào tạo đội ngũ không chỉ trong nước mà cả với các đối tác quốc tế…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần có chính sách ưu tiên hơn nữa cho các đơn vị đầu tư giáo dục về mặt bằng, về đất đai, về thuế; ưu tiên đầu tư toàn diện cho giáo dục đại trà, cho các vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp; thực hiện xã hội hóa nhằm đáp ứng cho các đối tượng người học khác nhau…

Dự thảo Luật hiện được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Phương Thảo