Chứng khoán tháng 10 – chờ tín hiệu phục hồi?

Nhịp điều chỉnh tất yếu

Giảm gần 80 điểm trong tháng 9 vừa qua, chỉ số VN-Index đánh dấu tháng giảm mạnh thứ 2 trong năm nay, chỉ sau mức giảm 90 điểm của tháng 2. Cùng với điểm số đi xuống, thanh khoản cũng duy trì ở mức cao với tổng khối lượng khớp lệnh trong tháng 9 riêng sàn HOSE là hơn 17,87 tỉ cổ phiếu, chỉ xếp sau mức gần 22,37 tỉ cổ phiếu của tháng 8 và 18,2 tỉ cổ phiếu của tháng 6 năm nay.

Diễn biến này cho thấy quyết tâm chốt lời bằng mọi giá của nhiều nhà đầu tư, trong bối cảnh thị trường đối mặt với một số thông tin tiêu cực trở lại, từ áp lực lạm phát, tỷ giá tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái hút ròng trên thị trường mở và quan điểm “diều hâu” trở lại của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến nhà đầu tư lo ngại lãi suất cơ bản đô la Mỹ có thể neo cao lâu hơn và chưa sớm giảm trở lại như những dự báo trước đó.

Thật ra việc khối lượng giao dịch tăng vọt trong tháng 8 – cao thứ 2 trong lịch sử của thị trường, chỉ sau mức gần 23 tỉ cổ phiếu của tháng 11-2021 – giai đoạn thị trường đang bắt đầu tạo đỉnh lịch sử, nhưng điểm số lại không thể tiếp tục đi lên, đã ngầm báo hiệu một đợt phân phối mới đang hình thành. Và khi chỉ số VN-Index hôm 7-9 tạo đỉnh ngắn hạn thứ 2 chỉ trong vòng một tháng, nhiều nhà đầu tư đã sớm lo ngại về một mô hình hai đỉnh.

Thị trường sau đó đã chứng minh sự lo lắng này là có cơ sở, khi bắt đầu giảm mạnh từ giữa tháng 9 và có lúc rớt về mức thấp nhất từ ngày 7-7 đến nay tại 1.126 điểm. Những phiên gần đây, thị trường tuy có những thời điểm bật lại nhưng thanh khoản rất thấp, cho thấy chưa có một nền tảng vững chắc để kỳ vọng sự phục hồi sẽ sớm diễn ra.

Ở góc nhìn trung hạn theo biểu đồ giá tuần, các chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy đợt điều chỉnh lần này dường như sẽ chưa sớm kết thúc. Việc VN-Index giảm mạnh liên tiếp trong ba tuần cuối tháng 9 cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ điều chỉnh mạnh hơn. VN-Index có lẽ cần thêm thời gian để tìm lại điểm cân bằng, củng cố và tạo nền tảng vững chắc hơn trước khi quay trở lại xu hướng tăng dài hạn.

Thực tế, trong sóng phục hồi kéo dài từ mức đáy tháng 11 năm ngoái, VN-Index vẫn chưa trải qua một đợt điều chỉnh nào đáng kể. Do đó, giai đoạn này được xem là một nhịp điều chỉnh cần thiết để thử thách lại sức mạnh của dòng tiền, cũng như thu hút thêm dòng tiền mới tham gia khi định giá của thị trường được kéo lùi về mức hấp dẫn hơn.

Chờ tín hiệu phục hồi

Theo góc nhìn phân tích kỹ thuật, nếu tiếp tục giảm, vùng hỗ trợ kế tiếp của VN-Index sẽ nằm quanh ngưỡng 1.100 điểm, tương đương với Fibo 38,2% kéo từ đáy 875 vào tháng 11 năm ngoái lên đỉnh 1.250 đạt được vào đầu tháng 9 vừa qua. Vùng 1.100 điểm cũng tương ứng với đường trung bình động (MA) 200 ngày hiện nay của VN-Index. Vùng hỗ trợ kế tiếp sẽ nằm quanh 1.060 điểm, tương ứng với Fibo 50% cũng của chu kỳ tăng từ tháng 11 năm ngoái đến đầu tháng 9 vừa qua.

Vì vậy, những nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật có lẽ sẽ quan sát kỹ để xác định những dấu hiệu phục hồi có được thiết lập vững chắc nếu thị trường rớt về hai vùng hỗ trợ này, mà không loại trừ khả năng có thể diễn ra ngay trong tháng 10 này. Dĩ nhiên vẫn có khả năng thị trường không tiếp tục rơi mà sẽ đi ngang, dao động trong biên độ hẹp nếu có những thông tin tích cực hơn hỗ trợ, một trong số đó là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 đang đến gần.

Về hiệu suất, tháng 10 hàng năm cũng không phải là màn trình diễn nổi bật của VN-Index, khi chỉ số này đạt mức tăng trưởng bình quân 0,7% trong giai đoạn 2000-2022, chỉ tốt hơn diễn biến của tháng 6, tháng 7 và tháng 9. Tuy nhiên, quá khứ cho thấy tháng 10 cũng thường là giai đoạn được các nhà đầu tư tích cực gom hàng, để chuẩn bị cho giai đoạn bốn tháng sau đó thường có mức tăng trưởng tốt hơn rất nhiều.

Ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế vẫn đang chật vật phục hồi, do đó các chính sách tiền tệ lẫn tài khóa sẽ cần phải duy trì nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. GDP quí 3 vừa qua ước tính tăng 5,33% so cùng kỳ, có cao hơn mức tăng 3,28% của quí 1 và 4,05% của quí 2, nhưng mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 (vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19) trong giai đoạn 2011-2023.

Dù NHNN có động thái hút ròng gần đây, nhưng giới phân tích cho rằng đây không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách của nhà điều hành, mà động thái này nhằm hạn chế các hoạt động lướt sóng đầu cơ tỷ giá trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng quá dồi dào, mà đã góp phần làm tăng áp lực tỷ giá thời gian qua.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đang được thúc đẩy mạnh với quí 1 tăng 3,6%; quí 2 tăng 5,6%; quí 3 tăng 7,6%; tính chung chín tháng tăng 5,9%. Riêng vốn đầu tư của khu vực nhà nước quí 1 tăng 11,5%; quí 2 tăng 13,5%; quí 3 tăng 18,7%; tính chung chín tháng tăng 15,1%. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công chín tháng đạt trên 363.000 tỉ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (bằng 46,7% kế hoạch) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỉ đồng.

Khi các nền tảng hỗ trợ quan trọng như chính sách tiền tệ hay tài khóa vẫn được nới lỏng, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định ở mức thấp, lạm phát và tỷ giá dù có những thời điểm chịu áp lực nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, các kênh đầu tư như chứng khoán sẽ vẫn được hỗ trợ. Số liệu công bố cho thấy CPI bình quân chín tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), còn tỷ giá được dự báo sẽ tăng không quá 3% trong năm nay, khi nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào và nhà điều hành có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết.

Xét trong chu kỳ dài hạn hơn, triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sẽ vẫn là điểm nhấn đầu tư mạnh mẽ giúp định hình lại thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2024-2025, giúp thu hút dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường Việt Nam. Trong đó, một số dự báo lạc quan mới đây còn cho rằng hệ số PE mục tiêu của thị trường Việt Nam sẽ tăng lên mức 18 lần, theo đó với định giá này, VN-Index có thể bứt phá lên mức 2.300-2.500 điểm.

Triêu Dương