Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt đến nửa đầu 2022?

“Yếu tố lãi suất rất quan trọng với thị trường chứng khoán. Môi trường lãi suất hiện này còn lý tưởng cho chứng khoán ít nhất đến nửa đầu 2022”, Giám đốc Phân tích Vĩ mô của Công ty Chứng khoán HSC, ông Phạm Vũ Thăng Long đưa ra dự báo tại hội thảo “Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 và sự lựa chọn đầu tư khôn ngoan” do câu lạc bộ Các nhà kinh tế tổ chức ngày 24/4.

Lãi suất rẻ tương quan tích cực với chứng khoán

Ông Long cho hay vào năm 2018, khi lãi suất tăng, chứng khoán đã giảm mạnh. Trong khi đó, lạm phát hiện tại được kiểm soát tốt nên Ngân hàng Nhà nước có dư địa để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.

Chuyên gia của HSC dự báo lạm phát của năm 2021 sẽ ở dưới mức 4%. Trong quý II, lạm phát có thể tăng nhưng lý do là mức nền của cùng kỳ năm trước quá thấp khi giá xăng dầu giảm mạnh. Hiện tại, chi phí cho giao thông đang bắt đầu tăng trở lại khi giá xăng tăng.

Một yếu tố quan trọng khác cho triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam là thanh khoản còn dư địa để tiếp tục tăng. Quy mô giao dịch trung bình mỗi ngày của thị trường Thái Lan là 3 tỷ USD. Dựa trên tương quan GDP Việt Nam bằng khoảng 2/3 so với Thái Lan, ông Long dự báo giá trị giao dịch lý tưởng của chứng khoán Việt Nam phải lên tới 2 tỷ USD mỗi phiên.

Thêm vào đó, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp nhất khu vực. Ông Long chia sẻ nhiều quỹ đầu tư có cùng quan điểm quan điểm bức tranh của Việt nam vẫn tích cực ít nhất đến nửa đầu năm tới.

Các yếu tố vĩ mô nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn trong triển vọng thuận lợi. HSC dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,9% năm 2021 nhờ hoạt động thương mại tăng trưởng cao hơn kỳ vọng và sự phục hồi của dòng vốn FDI. Xuất khẩu, FDI và đầu tư công sẽ là các động lực chính của nền kinh tế năm nay.

Giám đốc Phân tích Vĩ mô của Công ty Chứng khoán HSC Phạm Vũ Thăng Long

Dòng tiền chờ giải ngân còn lớn

Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) Nguyễn Sơn cũng có quan điểm tích cực về thị trường. Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội đón đầu dòng vốn lớn hơn của các quỹ đầu tư khi chính thức được thăng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Hiện Việt Nam đã thỏa 7/9 điều kiện để thăng hạng thị trường của FTSE Russell.

Chủ tịch VSD nhấn mạnh nhiều yếu tố đang ủng hộ thị trường. Thanh khoản bình quân của chứng khoán trong quý I lên tới 18.000-20.000 tỷ đồng/phiên. Những phiên gần đây khi vấn đề nghẽn lệnh được giải quyết một phần, giá trị giao dịch có ngày lên tới 25.000-28.000 tỷ. Dòng vốn cấp tín dụng cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán cũng tăng cao.

Ông Sơn đánh giá việc số dư tiền lớn chờ giải ngân nằm trên tài khoản nhà đầu tư cũng là thông tin tích cực cho tương lai thị trường. Song song đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhưng không hoàn toàn rút tiền mặt ra khỏi tài khoản mà chờ cơ hội đầu tư mới. Ngoài ra, số lượng tài khoản mở mới của cả nhà đầu tư nội và ngoại đều tăng nhanh.

Tuy nhiên, theo chủ tịch VSD, chứng khoán vẫn đối diện nhiều trở ngại như rủi ro dịch chuyển dòng tiền giữa các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, ngoại hối hay gần đây là tiền kỹ thuật số. Các vấn đề nội tại như tính minh bạch trong quản trị công ty, công bố thông tin, giao dịch nội bộ còn những mặt hạn chế.

Ông Sơn lấy ví dụ thời gian qua có cổ phiếu tăng giá liên tục tới 5-7 lần, cá biệt có mã tăng tới 11 lần dù kết quả kinh doanh thua lỗ. Có những cổ phiếu liên quan nhau trong một hệ sinh thái cùng tăng nóng dù lợi nhuận, tài sản không có gì đặc biệt.

Chủ tịch VSD cho rằng cần tiếp tục cải thiện công tác thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi với các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, có thể cần khung hình sự ngoài xử phạt hành chính bằng tiền để có tính răn đe hơn.

Ngoài ra, trần sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài cũng là một vấn đề thách thức trong khi các sản phẩm chứng khoán thay thế khi cạn room ngoại chưa đa dạng. Vấn đề hệ thống công nghệ thông tin cho thị trường cũng cần được giải quyết triệt để, rốt ráo.

Việt Đức