Chương trình mục tiêu quốc gia 'tiếp sức' huyện Đắk Glong giảm nghèo

Phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trước đây, gia đình chị H’Na Sốp, dân tộc Mạ, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong có hơn 1ha cà phê, nhưng do thiếu vốn đầu tư, chăm sóc không bài bản nên năng suất không cao. Vì vậy cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám gia đình chị. Nắm bắt được điều này, thông qua Chương trình 1719, xã Quảng Khê hỗ trợ gia đình chị H’Na Sốp hơn 16 triệu đồng để mua dê giống.

Đồng thời, địa phương tạo điều kiện cho chị vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm chuồng trại nuôi dê, đầu tư chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, gia đình chị H’Na Sốp có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập.

“Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi mới có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt bài bản, từ đó năng suất, chất lượng cây trồng ngày càng nâng cao, bán được giá. Trước đây, gia đình tôi còn là hộ cận nghèo thì năm 2023 đã thoát khỏi hộ nghèo”, chị H’Na Sốp chia sẻ.

Thông qua Chương trình 1719, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, Đắk Nông hỗ trợ chị H’Na Sốp, bon Sa Ú Dru phát triển mô hình chăn nuôi dê

Qua bình xét, gia đình bà Hoàng Thị Phấn, dân tộc Nùng, thôn 4 thuộc diện hộ nghèo của xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong được hỗ trợ 2 con bò giống sinh sản từ nguồn vốn Chương trình 1719. Với mong muốn vươn lên thoát nghèo, bà Phấn chăm sóc bò cẩn thận, cho ăn, uống, phòng bệnh đầy đủ.

Bà Hoàng Thị Phấn cho biết: “Gia đình tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm giúp đồng bào chúng tôi làm kinh tế. Có bò giống được cấp, tôi tham gia vào nhóm đồng sở thích nuôi bò ở đây. Từ đó, tôi được học hỏi, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, mong bò khỏe mạnh, nhanh chóng sinh sản nhân đàn”.

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk P'lao, huyện Đắk Glong, Đắk Nông được hỗ trợ bò giống, phát triển mô hình chăn nuôi

Năm 2022 - 2023, huyện Đắk Glong triển khai 17 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng của các xã, góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Đơn cử như mô hình nuôi thỏ New Zeland của gia đình chị Bùi Thị Tuyết, dân tộc Mường ở thôn 4, xã Đắk P'lao đã có nguồn thu khoảng 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Địa phương giúp đỡ một số hộ nghèo học tập kinh nghiệm và vốn để xây dựng mô hình, mang lại hiệu quả và mở thêm hướng thoát nghèo cho đồng bào DTTS nơi đây.

Thúc đẩy giảm nghèo hiệu quả

Đắk Glong là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, đồng bào DTTS chiếm gần 70%. Nhiều năm qua, địa phương luôn là huyện được ưu tiên nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện xóa đói, giảm nghèo.

Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Glong lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3 - 5%. Theo Nghị quyết số 04 ngày 11/11/2020 về việc tăng cường công tác giảm nghèo bền vững huyện Đắk Glong giai đoạn 2020 - 2025 của Huyện ủy Đắk Glong thì địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo.

Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của UBND huyện và tình hình thực tế của địa phương, các xã xây dựng chỉ tiêu giảm nghèo, đề ra biện pháp cụ thể phù hợp để các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo. Huyện lồng ghép, thực hiện chính sách hỗ trợ về giảm nghèo của Nhà nước, các chương trình, dự án giảm nghèo. Từ đó làm nền tảng cho các hộ nghèo có điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

Theo kế hoạch phân bổ, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Đắk Glong là hơn 364 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số của huyện Đắk Glong.

Thực hiện Chương trình 1719, Đắk Glong tập trung giúp hộ nghèo, hộ DTTS về nhà ở, đất ở, đất sản xuất; đa dạng sinh kế; đào tạo nghề và việc làm… Huyện Đắk Glong triển khai hỗ trợ sinh kế giúp các hộ dân là người DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Trong số này phải kể đến mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng cây dược liệu, nuôi dê, bò, thỏ… Nhờ tận dụng những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và chăm chỉ lao động, học hỏi kinh nghiệm của các hộ dân, đến nay, các mô hình đã phát huy được hiệu quả bước đầu, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân.

Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, huyện Đắk Glong còn xây dựng mô hình sản xuất giỏi, có hiệu quả, từ đó tổ chức triển khai nhân rộng. Tại các thôn, bon thành lập các tổ, nhóm để giúp đỡ, tương trợ nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế. Công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức làm ăn cho các hộ được huyện chú trọng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay cho hộ nghèo về giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, xóa nhà tạm dột nát được huyện tận dụng. Qua đó, hoạt động này giúp người dân đầu tư kịp thời cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống. Đặc biệt, Đắk Glong tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để hộ nghèo, cận nghèo tích cực tham gia thực hiện tốt các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và nỗ lực phấn đấu vươn lên sớm thoát nghèo bền vững.

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp đồng bào DTTS xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, Đắk Nông có thêm động lực đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững

Để sản xuất hiệu quả, huyện cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu của người lao động và đòi hỏi của địa phương như các lớp trồng trọt, thú y, sửa chữa nông cụ… Sau khi hoàn thành các khóa học, học viên đều được trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết, áp dụng trực tiếp vào việc sản xuất kinh tế của gia đình.

Song song với công tác đào tạo nghề, địa phương cũng đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho người dân. Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ người mù chữ cao nên xóa mù chữ cho người dân là nhiệm vụ được cụ thể hóa trong nghị quyết của Đảng bộ huyện. Qua 2 năm triển khai, đã có hàng ngàn đồng bào DTTS Mông, Dao, Tày, Mạ, M'nông… được xóa mù chữ.

Chương trình 1719 đã và đang góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là trong cộng đồng các DTTS.

Mẫn Doanh