Chuyển đổi số: Xu hướng để doanh nghiệp phát triển bền vững

VNPT Phú Thọ nỗ lực hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả.

Chủ động bắt nhịp

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một DN, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số (CĐS) cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các DN, đòi hỏi mỗi DN phải liên tục thay đổi để thích ứng, phát triển.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và UBND tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn 2020-2025, Phú Thọ đã cụ thể hóa các nội dung, trong đó xác định chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, lấy dịch vụ cốt lõi làm nền tảng, dịch vụ số là đột phá, đưa các giải pháp ứng dụng rộng rãi trên địa bàn và nhanh chóng làm thay đổi diện mạo của địa phương trong việc xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, hướng tới CĐS toàn diện trong mọi lĩnh vực. Hiện nay, hệ sinh thái số của VNPT đã phủ khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống như: Chính quyền số, giáo dục số, y tế số...

Đồng chí Đặng Việt Hải- Giám đốc VNPT Phú Thọ cho biết: Là đơn vị được lựa chọn triển khai các giải pháp trọng điểm trong xây dựng chính quyền điện tử như: Hệ thống điều hành thông minh VNPT IOC (được xây dựng để cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh với vai trò giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống); thực hiện trục liên thông văn bản quốc gia VXP (VNPT Exchange Platform) được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2019 (đã xử lý gần 20.000 văn bản điện tử được phát hành mỗi tháng, giúp tiết kiệm chi phí in ấn, chuyển phát và lưu trữ lên tới hàng chục tỷ đồng ngân sách mỗi năm). Ngoài ra, VNPT Phú Thọ hiện đang hướng dẫn, triển khai cho hơn 30 DN tiên phong trên địa bàn thực hiện CĐS. Đây chính là cơ sở để VNPT cùng DN xây dựng các giải pháp giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả của DN.

Thời gian qua, Công ty CP Bia Hà Nội - Hồng Hà đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại đã giúp chuyên môn hóa sâu trong sản xuất, giảm thiểu độ sai, hỏng sản phẩm, tiết giảm chi phí, giảm lao động thủ công và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty đã ứng dụng nền tảng công nghệ số để quản lý, điều hành. Hiện nay, Công ty đang áp dụng nhiều phần mềm trong lĩnh vực tài chính - kế toán và bán hàng sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử S-Invoice, kê khai thuế trực tuyến bằng phần mềm HTKK; đang quản lý chế độ BHXH của người lao động theo phần mềm của BHXH Việt Nam, quản lý đại lý, khách hàng và nhân viên tiếp thị bằng phần mềm DMS...; phối hợp với VNPT Phú Thọ viết riêng phần mềm về quản lý lao động, tổ chức nhân sự, lưu trữ hồ sơ, tài liệu.

Đồng chí Lê Văn Tĩnh - Giám đốc Công ty CP Bia Hà Nội - Hồng Hà thông tin: Công ty đang cập nhật dữ liệu bằng phần mềm SAP Logon để quản lý hoạt động sản xuất do Tổng Công ty áp dụng cho cả hệ thống HABECO. Toàn bộ dữ liệu của các quá trình sản xuất được cập nhật trên hệ thống SAP đúng từng giờ, từng phút với thực tế; các quá trình kiểm soát chặt chẽ, có logic từ đầu tới cuối quá trình, trong quá trình thực hiện, có sự cảnh báo giúp cho quá trình quản lý hiệu quả... Từ áp dụng CĐS, khoa học công nghệ tiên tiến đã mang lại sự phát triển bền vững cho DN.

Có thể nói, CĐS đã giúp DN tạo nên sự bứt phá trong sản xuất- kinh doanh. Do đó, tiếp cận, ứng dụng công nghệ số sẽ là cơ sở để giải quyết nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động của DN, từ quản trị DN, quản lý nhân sự, tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh hay xây dựng văn hóa DN...

Công ty CP Bia Hà Nội - Hồng Hà sử dụng nền tảng công nghệ số để quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cơ hội và thách thức

Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu trong việc phát động chương trình CĐS trong DN. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, ban hành Chương trình hỗ trợ CĐS cho DN giai đoạn 2023-2025; nghiên cứu, đề xuất Giải thưởng CĐS trong DN nhằm khuyến khích, động viên các DN tích cực trong triển khai thực hiện CĐS.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở KH&ĐT, Đảng ủy Khối DN tỉnh... khảo sát trực trạng CĐS trong DN trên địa bàn; lựa chọn các DN có khả năng áp dụng CĐS vào hoạt động để hướng dẫn, hỗ trợ. Sau Hội nghị thúc đẩy CĐS trong các DN trên địa bàn tỉnh, các DN viễn thông lớn như: VNPT, Viettel, Mobifone đã khẩn trương tiếp xúc, triển khai hỗ trợ CĐS trực tiếp tại gần 200 DN trên địa bàn, trong đó tập trung đối với các giải pháp hóa đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, điểm danh tự động qua nhận diện khuôn mặt, tổng đài hỗ trợ chăm sóc khách hàng, họp trực tuyến, thực tế ảo.

Qua quá trình triển khai CĐS, UBND tỉnh đã lựa chọn vinh danh một số DN tiêu biểu trong ứng dụng CĐS vào việc điều hành quản lý DN và sản xuất kinh doanh hiệu quả như: Công ty Cổ phần Toyota Phú Thọ, Công ty Cổ phần Licogi 14...; Công ty Cổ phần gốm sứ CTH đã quan tâm triển khai hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP; Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hồng Hà đã phối hợp triển khai hệ thống quản lý kênh bán hàng, hệ thống lọc bia công nghệ hiện đại 4.0...

Sở KH&ĐT, Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp tổ chức các nội dung tập huấn CĐS DN theo chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp tỉnh xây dựng và ban hành Nghị quyết về thực hiện CĐS trong DN thuộc phạm vi quản lý của Đảng ủy; Sở TT&TT, Cục Thuế tỉnh tích cực đồng hành cùng các DN viễn thông, hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh tiếp cận CĐS. Các nỗ lực trong hỗ trợ CĐS của các DN viễn thông (VNPT, Viettel, Công ty Mobifone khu vực 4) cũng được UBND tỉnh ghi nhận.

Cùng với các kết quả khả quan đã đạt được, vẫn còn phần lớn các DN chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết tâm CĐS, chưa dành nguồn lực để ứng dụng CĐS trong DN. Đồng chí Nguyễn Minh Tường - TUV, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Thời gian tới, đối với các DN lớn cần triển khai tổng thể các giải pháp và công cụ như ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), SCM (quản lý chuỗi cung ứng), CRM (quản lý quan hệ khách hàng) và các ứng dụng công nghệ mới như í tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây để đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DN. Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh đã giao về hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong CĐS DN, Sở TT&TT xây dựng Chương trình hỗ trợ CĐS cho các DN, phối hợp với các cơ quan có liên quan thống nhất và triển khai chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN. Phát huy vai trò tiên phong trong CĐS của các DN viễn thông, công nghệ thông tin, đồng thời huy động nguồn lực, sản phẩm, dịch vụ của các DN viễn thông, công nghệ thông tin trong hỗ trợ các DN khác CĐS.

Anh Thơ