Chuyên gia Serbia: Ông Biden sẽ phát động cuộc chiến Crimea

Trong một bài bình luận mới đây, tờ Politika của Serbia dẫn nhận xét của chuyên gia quân sự Slobodan Samardzhia nói rằng, Mỹ và các thành viên liên minh quân sự NATO đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Crimea.

Mỹ có thể phát động cuộc chiến vào bán đảo Crimea.

Theo đó, ông Samardzhia cho rằng, mối đe dọa về một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga vẫn hiện hữu trong tương lai. Bằng chứng là các cuộc tập trận gần đây của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tại châu Âu đều hướng về biên giới với Nga.

Vài năm gần đây đã có hơn một lần tàu chiến Nga và Mỹ có các cuộc đụng nhau trên Biển Đen, vốn được xem là "sân sau" của Moscow trong thời gian dài.

Chuyên gia này cho rằng, năm 2021 có thể biến các cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Nga thành một cuộc đụng độ thực sự, đặc biệt là khi Washington không có can đảm tấn công Trung Quốc.

Theo ông Samardzhia, Mỹ có thể sẽ không xâm lược Crimea trong bối cảnh trong nước có nhiều bất ổn nội bộ, nhưng trong tương lai có thể sẽ thay đổi khi Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden muốn thể hiện ông ấy vững vàng như thế nào. Bên cạnh đó, cuộc xâm lược Crimea, sẽ chuyển sự chú ý của người Mỹ từ các vấn đề nội bộ sang các vấn đề bên ngoài.

Dẫu vậy, một cuộc xâm lược Crimea của Mỹ là khó có thể xảy ra.

Tác giả khẳng định, bản thân Mỹ không đủ mạnh để công khai chống lại Nga. Ngay cả ngân sách quân sự của Mỹ cao gấp nhiều lần ngân sách của Nga cũng không đảm bảo cho chiến thắng của Mỹ.

Washington nhận thức rõ rằng một cuộc chiến tranh xa bờ khó có thể kết thúc trong chiến thắng và Mỹ không thể hoàn toàn dựa vào các đồng minh châu Âu của mình.

Tác giả bài báo không nêu chi tiết hơn về lý do Mỹ không thể chiến thắng Nga nếu phát động cuộc chiến vào Crimea trong bối cảnh Mỹ vẫn có mức chi tiêu quân sự cao nhất thế giới và hơn cả Nga.

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cuối năm 2019 cho biết, Mỹ đã chi 732 tỷ USD (tăng 5,3%), chiếm 38% tổng chi của toàn thế giới về quốc phòng. Nga đã quay trở lại Top 5 cường quốc chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng với mức chi khoảng 3,9% GDP (65,1 tỷ USD, tăng 4,5%) cho ngân sách quốc phòng, mức cao nhất trong một thập kỷ qua.

Sau khi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, Nga đã tập trung lực lượng phòng vệ tại đây. Hệ thống tên lửa chống hạm 3M44 Progress Utes và hệ thống boongke phức tạp chứa nó đã được phục vụ 50 năm tới nay vẫn hỗ trợ quân đội Nga trong việc bảo vệ Bán đảo Crimea.

Trong cuộc tập trận Kavkaz-2020, nước này cũng đã phô diễn nhiều thiết bị quân sự đặc biệt tối tân phục vụ phòng thủ ở khu vực trọng yếu này.

Theo trang báo Mỹ The Drive, các hệ thống phòng thủ bờ biển này chỉ là một khía cạnh của một trong những nơi tập trung năng lực tên lửa chống hạm lớn nhất trên thế giới.

Kết hợp với hạm đội Biển Đen và các lực lượng không quân của Nga, quân đội của Moscow có thể nhanh chóng biến gần như toàn bộ Biển Đen hạn chế thành một khu vực giao tranh với các tên lửa chống hạm siêu hạng trong thời gian ngắn.

Những hệ thống phòng thủ dày đặc và linh hoạt tại Crimea có thể đảm bảo vòng an ninh này khỏi các âm mưu tấn công của Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu.

Hải Lâm