Chuyện về chiếc đĩa gốm lớn nhất Việt Nam

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và lãnh đạo các đơn vị, sở ngành tại lễ đón nhận bằng xác nhận kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Ảnh: N.Liên

Đĩa gốm “khổng lồ” vừa được xác nhận kỷ lục Việt Nam có đường kính 2,34m và dày 13cm. Sản phẩm do 40 nghệ nhân và thợ gốm tại TP.Biên Hòa thực hiện trong 60 ngày.

* 60 ngày lập kỷ lục Việt Nam

Nghệ nhân Bùi Văn Thanh, một trong những nghệ nhân chính tạo nên sản phẩm Đĩa gốm truyền thống Biên Hòa lớn nhất Việt Nam chia sẻ, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề gốm, từng tạo ra nhiều sản phẩm gốm đặc sắc, nhưng khi nhận trách nhiệm sản xuất chiếc đĩa gốm với kích cỡ lớn và trong một dịp lễ kỷ niệm đặc biệt của địa phương, bản thân nghệ nhân cùng đội ngũ thực hiện đã rất áp lực và dốc toàn lực để nghiên cứu phương án chính xác nhất để tạo nên sản phẩm.

Theo ông Thanh, một sản phẩm gốm và có kích cỡ lớn, mang hình tròn, mỏng như chiếc đĩa sẽ khó thực hiện hơn những sản phẩm như: bình gốm, chén gốm… bởi chiếc đĩa phải bảo đảm độ dày và đáp ứng các tiêu chí chung về màu sắc, sự cân đối và khi trưng bày trên giá đỡ được an toàn, có độ bền.

Đĩa gốm khắc họa hình ảnh Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - vị tướng có công trong sự nghiệp mở cõi phương Nam và hình ảnh Văn miếu Trấn Biên, là một di tích lịch sử cấp quốc gia của Đồng Nai. Các họa tiết xung quanh đĩa được trang trí chạm khắc và chấm men truyền thống.

Nguyên liệu chính để sản xuất ra đĩa gốm là đất sét Biên Hòa và sơn mài truyền thống. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thanh, để thực hiện chính xác các công đoạn chế tác chiếc đĩa gốm truyền thống Biên Hòa, những nghệ nhân vừa phải có tay nghề cao và tính toán chính xác để có thể tạo nên những họa tiết hài hòa với diện tích chiếc đĩa gốm.

Theo GS-TS Phan Thị Thu Hiền, Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế, với chất liệu men đặc trưng - men xanh đồng trổ bông (vert de Bien Hoa).

Biên Hòa xưa đã nổi tiếng với nghề gốm thủ công. Sản phẩm gốm Biên Hòa được vang danh khắp năm châu từ hàng trăm năm trước. Đặc biệt, Đồng Nai đang là địa phương duy nhất của Việt Nam có trường cao đẳng chuyên đào tạo ra các thợ gốm khắp cả nước.

Với bề dày lịch sử cũng như sự phát triển của nghề gốm Biên Hòa, chiếc đĩa gốm truyền thống Biên Hòa lớn nhất Việt Nam là sự đóng góp trí tuệ, công sức của hàng chục người, từ lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp gốm, đến những người thợ gốm lành nghề trong nhiều tháng ròng. Chính sự quyết tâm và tình yêu quê hương, những người con của vùng đất Biên Hòa đã tạo nên một sản phẩm gốm đặc sắc, hội tụ những câu chuyện về văn hóa, con người Đồng Nai cùng những câu chuyện lịch sử hào hùng, đậm chất nhân văn về một vùng đất phương Nam.

* Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống

Chiếc đĩa gốm truyền thống Biên Hòa được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam là niềm tự hào của người dân Đồng Nai nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong quá trình bảo tồn, quảng bá và phát huy những giá trị cao đẹp của người Việt Nam. Chiếc đĩa gốm kỷ lục của Đồng Nai minh chứng cho lịch sử truyền thống nghề gốm của Đồng Nai vẫn đang được bảo tồn và phát triển.

Hành trình các nghệ nhân ngày đêm hoàn thành sản phẩm gốm kỷ lục Việt Nam

Bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai, đơn vị lập hồ sơ trình Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings cho biết, đĩa gốm truyền thống Biên Hòa lớn nhất Việt Nam do UBND TP.Biên Hòa và Công ty TNHH MTV Gốm Trường Thạnh (Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) đồng sở hữu kỷ lục.

Theo bà Trang, việc hoàn thành hồ sơ để được công nhận sản phẩm kỷ lục phải trải qua sự kiểm duyệt rất nghiêm ngặt về nguyên vật liệu, con người thực hiện và phương thức tạo ra sản phẩm… Các họa tiết bên trong đĩa gốm được trang trí bằng phương pháp thủ công, chạm khắc và đắp men truyền thống kết hợp oxit hội tụ bởi những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề làm gốm của Đồng Nai.

Tại Hội thảo Bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa, kết hợp khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn TP.Biên Hòa, GS-TS Phan Thị Thu Hiền, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, gốm Biên Hòa có truyền thống hơn 300 năm. Di sản văn hóa gốm sứ Biên Hòa không chỉ bao gồm những di sản vật thể mà còn là những di sản phi vật thể vô cùng phong phú (phản ánh lịch sử văn hóa, văn hóa đời sống hàng ngày; thể hiện lao động chuyên cần, sự khéo léo và vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân cũng như kết tinh những giá trị tinh thần của quê hương, dân tộc).

Hiện nay, ở Việt Nam, các địa phương đang phát triển du lịch dựa trên gốm sứ đều dựa trên mô hình làng nghề - làng gốm cổ. GS-TS Phan Thị Thu Hiền cho rằng, Biên Hòa có thể thực hiện ý tưởng về phát triển du lịch hướng tới xây dựng thành phố sáng tạo dựa trên di sản văn hóa gốm sứ. Theo đó, để tìm ý tưởng phát triển du lịch Biên Hòa dựa trên di sản văn hóa gốm sứ hướng tới xây dựng thành phố gốm sứ, thành phố sáng tạo, cần thiết dựa trên lý thuyết về công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với văn hóa đại chúng. Du lịch dựa trên di sản văn hóa gốm sứ gắn bó với công nghiệp văn hóa hướng tới xây dựng thành phố gốm sứ - thành phố sáng tạo có thể giúp Biên Hòa hội tụ giá trị các tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, tài nguyên nhân văn; hội tụ các hình thức du lịch (du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghệ thuật, du lịch giáo dục, du lịch lễ hội, du lịch chữa lành, du lịch MICE…) tạo nên hệ sinh thái du lịch gốm độc đáo và giàu sức cạnh tranh so với tất cả các điểm đến du lịch làng gốm hiện nay của cả nước.

Ngọc Liên