CLB Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức tọa đàm về tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Việt Phú - Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam cho biết: "Câu lạc bộ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số”. Với mục tiêu để chúng ta cùng lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông về lộ trình tắt sóng 2G. Để người dân chủ động chuyển đổi thiết bị và không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc khi tắt sóng 2G, thì hoạt động truyền thông rất quan trọng".

Theo ông Phú, các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân. Và hôm nay CLB Nhà báo ICT bắt đầu đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp để thúc đẩy câu chuyện đó.

Tọa đàm "Tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số". Ảnh: C.Thúy

Được biết, Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình ển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt. Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến người dân Việt Nam.

Đây được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số…một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) cho biết: "Đến nay Bộ đã có nhiều giải pháp, chủ trương dừng mạng 2G. Các đơn vị của Bộ đã có đề xuất từ năm 2016, thời điểm chúng ta cấp phép công nghệ 4G, thời hạn đến năm 2024. Đây là thời điểm các nhà mạng định hướng, xem xét cấp lại thuê bao, đồng thời chuyển đổi số và công nghệ. Về mặt thực thi, các nhà mạng đã có kế hoạch dừng 2G của mình và thử nghiệm công nghệ mới - 5G".

Theo ông Nhã, một nhà mạng không thể tồn tại đồng thời công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G. Điều này giảm thiểu những khó khăn cho các thiết bị phát sóng, đây là chủ trương đúng đắn của Bộ TT-TT, được các doanh nghiệp, nhà mạng ủng hộ.

"Đến năm 2030, định hướng của Bộ TT-TT sẽ bắt đầu công nghệ 6G. Vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường", ông Nhã thông tin.

Tắt sóng 2G được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số…một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.

PV