Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trên thị trường thực phẩm chay

Một số món ăn chay Việt Nam (Nguồn: anchayvietnam)

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêu dùng thực phẩm đối với sức khỏe, hiện nay, người tiêu dùng đã và đang chuyển hướng sang sử dụng thực phẩm chay và thực phẩm thay thế.

Theo các chuyên gia, đây là cơ hội cho những đơn vị sản xuất kinh doanh có chiến lược phát triển bền vững và những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng.

Hiện nay, ăn chay không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng mà dần dần hình thành nên một xu hướng mới về lối sống xanh-sạch. Đồng thời, người tiêu dùng không chỉ ưa chuộng những sản phẩm chất lượng, dinh dưỡng, an toàn... mà còn đòi hỏi sự tiện lợi hơn do không có nhiều thời gian, cách thức tự chế biến thực phẩm chay và thực phẩm thay thế tại nhà.

Cụ thể, có 4 lý do người tiêu dùng có xu hướng ăn chay là vì sức khỏe, nhân đạo, tôn giáo và môi trường. Các thực phẩm từ động vật cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật nên người tiêu dùng ngày càng quan tâm và tìm kiếm nguồn thực phẩm chay và thực phẩm thay thế từ các loại thực vật. Xu hướng này mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều chủng loại thực vật vùng nhiệt đới như Việt Nam.

Tuy nhiên, đơn vị sản xuất muốn tham gia vào thị trường này đòi hỏi phải phải không ngừng nỗ lực đầu tư, nghiên cứu để tạo ra sản phẩm chinh phục người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đáp ứng nhiều xu hướng hoặc thúc đẩy những xu hướng mới để mang lại đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thị trường tồn tại song song hai vấn đề là nắm bắt xu hướng thị trường hoặc tạo ra thị trường mới và làm mạnh lên những xu hướng mới. Việc thúc đẩy thị trường thực phẩm chay và thực phẩm thay thế là một trong những xu hướng mới.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết nền nông nghiệp nhiệt đới và sự đa dạng trong chế biến thực phẩm chay mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài 4 lý do chính nêu trên thì xu hướng tiêu dùng mới này cũng là lý do để đơn vị sản xuất kinh doanh Việt Nam chinh phục phân khúc thị trường thực phẩm chay và thực phẩm thay thế trong thời gian tới.

Phó giáo sư-tiến sỹ Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá thực phẩm chay và thực phẩm thay thế có cơ hội thị trường tốt, nhất là những sản phẩm thay thế thực phẩm động vật từ thực vật. Dù vậy, muốn khai thác cơ hội này, doanh nghiệp cần khảo sát thị trường và nắm bắt người tiêu dùng cần gì.

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp định hướng đến thị trường xuất khẩu thì ngoài nắm nhu cầu thị trường, doanh nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định của nước sở tại.

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Đàm Sao Mai, thực phẩm chay và thực phẩm thay thế, nhất là sản phẩm thịt thay thế từ thực vật, vi sinh... có nhiều phương pháp chế biến khác nhau nhưng vấn đề ưu tiên hàng đầu là đảm bảo đủ dinh dưỡng. Song song với đó, vấn đề kiểm soát quá trình sản xuất từ nguyên vật liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra cũng không kém phần quan trọng.

Thống kê khối lượng thực phẩm chay và thực phẩm thay thế xuất khẩu như một ngành hàng độc lập của Việt Nam thì gần như chưa có hoặc khá hiếm. Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thực phẩm chay và thực phẩm thay thế kèm theo những nhóm ngành khác, chẳng hạn xuất khẩu nước mắm, nước tương, mỳ gói, bún, miến... thì có những dòng sản phẩm chay.

Tương tự, việc phát triển thương hiệu thực phẩm chay và thực phẩm thay thế của Việt Nam ra thị trường toàn cầu cũng chưa có.

Thực tế trên thị trường nội địa cũng cho thấy trước dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thực phẩm thay thế, giá thành các sản phẩm trong ngành hàng này đang dần dần cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thông minh ngày càng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm phù hợp với cá nhân và gia đình.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Sông Hương Foods cho biết thị trường nội địa là trọng tâm của doanh nghiệp, vì phương châm kinh doanh ưu tiên sản phẩm tốt phục vụ người dân trong nước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển những sản phẩm gia truyền và thuần Việt.

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, tại Sông Hương Foods, một sản phẩm ra thị trường luôn phải có lưu mẫu và thử nghiệm định kỳ. Bởi sản phẩm càng kinh doanh rộng rãi trên nhiều hệ thống bán lẻ thì càng phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, tiêu dùng trong cộng đồng...

Ở góc độ người tiêu dùng, bà Dịu Phú, ngụ tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng có một thực tế là tại Việt Nam, ra đường là có thể ăn được thực phẩm tươi sống nên thị trường thực phẩm chế biến đóng gói nói chung hay thực phẩm chay và thực phẩm thay thế nói riêng đều đòi hỏi khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trải qua đại dịch COVID-19, người tiêu dùng đã quan tâm hơn vấn đề an toàn thực phẩm, thực phẩm có thể dự trữ và bảo quản thời gian lâu hơn và điều này mang lại cơ hội thị trường cho thực phẩm chế biến đóng gói.

Một số người tiêu dùng khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định trong quá trình tìm kiếm thực phẩm chay và thực phẩm thay thế, hướng đến lối sống xanh-sạch, họ luôn ưu tiên tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ và sản xuất trong nước.

Mặc dù vậy, người tiêu dùng chỉ ưu tiên sử dụng những dòng sản phẩm, thương hiệu đạt uy tín về chất lượng, nên vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp Việt là không ngừng nỗ lực cải tiến sản xuất kinh doanh, đưa ra thị trường ngày càng nhiều hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn đúng quy định và cam kết./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)