Công dân số - chủ nhân thời đại số

Ở huyện miền núi Hương Khê, vụ bưởi năm 2023 thắng lớn với tổng giá trị gần 600 tỷ đồng dù sản lượng, năng suất không bằng năm 2022 (do diện tích thu hoạch giảm và ảnh hưởng lớn của thiên tai, thời tiết bất lợi). Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc duy trì giá trị sản xuất là nhờ việc bà con nông dân chủ động chuyển đổi số (CĐS), tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử (TMĐT).

Ông Phan Xuân Hiến - Chi hội trưởng Chi hội số Ngọc Bội quảng bá sản phẩm bưởi trên nền tảng số để tăng sức tiêu thụ.

Ông Phan Xuân Hiến - Chi hội trưởng Chi hội số Ngọc Bội (xã Hương Trạch, Hương Khê) phấn khởi: "Toàn chi hội có 15,1 ha bưởi Phúc Trạch, trong đó 11,6 ha cho thu hoạch, sản lượng 174 tấn, thu nhập khoảng 3,48 tỷ đồng (trung bình 128,9 triệu đồng/hộ). Nếu như trước đây, các hộ dân bán sản phẩm cho thương lái bằng hình thức bán sỉ cả vườn thì năm nay có 22/26 hội viên đã biết chuyển đổi, quảng bá sản phẩm bưởi trên nền tảng số để tăng sức tiêu thụ. Tỷ lệ tiêu thụ trên kênh TMĐT của hội viên chiếm trên 70%. Đặc biệt, qua CĐS, nhiều hội viên đã ứng dụng KHKT vào sản xuất, đạt tiêu chuẩn hữu cơ".

Hiện trên toàn tỉnh, CĐS, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp dần trở thành xu hướng tất yếu và được các HTX, hộ kinh doanh, người dân hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, lĩnh vực xây dựng NTM, CĐS đã được hiện thực hóa trong công tác quản lý, xây dựng các sản phẩm OCOP và hoạt động giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, bán hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT, các nền tảng mạng xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.800 gian hàng trên các sàn TMĐT. Tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh à Tĩnh trên sàn TMĐT và mạng xã hội năm 2023 ước đạt khoảng 155 tỷ đồng.

Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại cà phê Moon Garden, đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh).

CĐS còn lan tỏa rộng rãi trong đời sống với việc hình thành thói quen thanh toán trực tuyến. Tại tuyến đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh), cuối tháng 7/2023, UBND phường Thạch Quý đã ra mắt mô hình “Tuyến phố kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt”. Hàng chục cửa hàng đã dán mã QR cho phép người dân quét mã thanh toán hàng hóa dịch vụ. Để khuyến khích người dân, DN trên địa bàn phường đồng hành cùng các giải pháp phát triển kinh tế số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tăng tính phổ biến của mã QR trong cộng đồng.

Anh Nguyễn Văn Đạt - chủ cửa hàng cà phê Moon Garden cho hay, đến nay, hầu hết giao dịch thanh toán tại cửa hàng được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản (tỷ lệ trên 90%). Cùng với phục vụ khách hàng, các giao dịch khác như: mua nguyên liệu, chi trả lương - thưởng cho nhân viên hiện cũng được cửa hàng áp dụng phương thức thanh toán số.

Hà Tĩnh đang triển khai hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số.

Xu hướng CĐS cũng đang hình thành các DN công nghệ thông minh ở Hà Tĩnh. Anh Thiều Đăng Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ số Platinum Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chúng tôi chuyên cung cấp các dịch vụ tiện ích thông minh trong gia đình. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể điều khiển các thiết bị thiết yếu trong nhà như: đóng/mở cửa, bật/tắt bóng đèn, rèm cửa sổ, bình nước nóng, điều hòa... Những thiết bị thông minh sẽ mang lại trải nghiệm mới và tiện ích trong cuộc sống, từng bước hình thành đô thị, khu dân cư kiểu mẫu thông minh và xã hội số. Về phía DN, CĐS giúp chúng tôi tối ưu chi phí nhân sự và tăng năng suất công việc. Thị trường cũng được mở rộng toàn khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Phú Yên)”.

Theo Sở TT&TT, đến nay, 100% DN, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; 100% HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, OCOP... có ứng dụng điện thoại thông minh, Internet băng rộng, sàn TMĐT; 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường học triển khai thu học phí, 12/12 đơn vị y tế cấp huyện thu viện phí bằng thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng triển khai tích hợp thanh toán trực tuyến đối với nhiều dịch vụ thiết yếu như: điện, nước, cước Internet, viện phí, chuyển tiền từ thiện, mua sắm trực tuyến...

Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Ông Đậu Tùng Lâm - Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Công dân số được xem là yếu tố nền tảng, trung tâm đối với sự phát triển xã hội số, đồng thời quyết định sự thành công của hành trình CĐS ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, điều kiện nền tảng cho CĐS thành công là hình thành cộng đồng công dân số. Nhằm thúc đẩy quá trình này, Hà Tĩnh đã tập trung kích hoạt tài khoản định danh điện tử và là một trong 4 địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành chỉ tiêu.

Đây không chỉ là yếu tố then chốt trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trên môi trường điện tử thay vì phải sử dụng nhiều loại giấy tờ cá nhân. Sau khi cài đặt, kích hoạt, người dân đang tích cực ứng dụng định danh điện tử vào đời sống. Ngành TT&TT cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số và phổ cập giao dịch điện tử trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Đặc biệt, chúng tôi cũng đang xây dựng ứng dụng (app) công dân số Hà Tĩnh”.

Xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, dù còn những khó khăn, hạn chế về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, kỹ năng... nhưng những công dân số Hà Tĩnh đã “khoác” lên mình diện mạo mới của tri thức, công nghệ, đáp ứng yêu cầu CĐS trong kỷ nguyên 4.0.

Dương Chiến