Cộng đồng doanh nghiệp cần được 'trợ lực' để phát triển

Theo thống kê của ộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên các doanh nghiệp này chủ yếu có quy mô nhỏ, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Hiện nay Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động

Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa chính trị thế giới. Do đó “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp còn yếu. Điều này đã được thể hiện thông qua báo cáo tình hình đăng ký doanh tháng 1/2024.

Cụ thể, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tháng 1/2024, cả nước có 13.536 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2023. Số vốn đăng ký thành lập trong tháng 1/2024 đạt 151.451 tỷ đồng, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong tháng 1/2024 cả nước cũng ghi nhận có 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 7.798 doanh nghiệp, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp giải thể là 2.165 doanh nghiệp, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn. Trên cơ sở đó, để tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, chia sẻ với phóng viên trước thềm xuân 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược.

Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Để làm được điều đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành...

Cùng đó, tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Đây là điểm nghẽn quan trọng cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.

Cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước. Cụ thể, cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính như: Vấn đề hoàn thuế VAT mà các doanh nghiệp phản ánh trong thời gian dài; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: Chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%. Rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tiếp tục rà soát chính sách tín dụng nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành. Nâng cao hiệu quả hoạt động các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khẩn trương ban hành Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech).

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Liên quan đến nhóm giải pháp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản,… kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư, hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đẩy nhanh việc ký kết các FTA đang đàm phán và nghiên cứu các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Cảnh báo và cập nhật những thông tin mới nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, nhất là thông qua các nền tảng số và thương mại điện tử.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng; nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, theo các chuyên gia kinh tế, để vượt qua khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Nguyễn Hòa