Công khai cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng

Để đảm bảo toàn thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, ngành chức năng của TP.HCM tăng cường kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra hàm lượng chất bảo quản đối với thủy hải sản, lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau củ quả…

Riêng đối với chợ đầu mối của thành phố, ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, chợ cung cấp hơn 50% lượng thịt heo cho toàn thành phố, nên mặt hàng này được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu chăn nuôi đến khi ra quầy sạp.

Lãnh đạo TP.HCM kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn (Ảnh: Hoàng Minh)

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm .HCM cho rằng, việc đảm bảo an toàn thực phẩm, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, rất cần sự chung tay góp sức của người tiêu dùng. Người dân luôn muốn có thực phẩm an toàn, nhưng không ít người chưa có ý thức tiêu dùng khi mua thực phẩm trôi nổi, thực phẩm buôn bán online… với chi phí rẻ nhưng không được quản lý chất lượng.

Thịt heo được kiểm soát nghiêm ngặt nhiều bước trước khi được đưa vào chợ đầu mối (Ảnh: Hoàng Minh)

Bà Lan cho biết thêm, bên cạnh việc thành lập các đoàn kiểm tra lấy mẫu mặt hàng, Sở cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Các mặt hàng thủy hải sản tại chợ được chế biến cẩn thận (Ảnh: Hoàng Minh)

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, có hành vi tái diễn, Sở sẽ có biện pháp xử lý tùy theo mức độ như: đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra đề nghị truy tố trước pháp luật, công khai trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cho người tiêu dùng.

Quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng bánh kẹo mứt phục tại chợ Bình Tây (Ảnh: Hoàng Minh)

“Sở An toàn thực phẩm có những chương trình hành động về xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn. Nhưng điều quan trọng nữa là sự hưởng ứng, tiến hành triển khai áp dụng từ các đơn vị tổ chức cá nhân, doanh nghiệp phải đầu tư vào khâu bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Và người dân, cộng đồng hãy ủng hộ cho các doanh nghiệp hợp pháp lưu tâm đến vấn đề quản lý chất lượng để những sản phẩm mình ăn uống mỗi ngày sẽ mang lại sức khỏe chứ không phải nguồn cơn gây chuyện đáng tiếc sau này”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Hoàng Minh/VOV-TPHCM