Công nghệ mới của Nga đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ

Công nghệ quân sự mới nhất của Nga sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ. Thông tin này được chuyên gia của tờ báo EurAsian Times nhận định.

Các loại vũ khí siêu thanh của Nga trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ và các nước đồng minh.

Chuyên gia quân sự Anupama Ghosh cho biết rằng, Lầu Năm Góc đang rất lo ngại về sự tiến bộ nhanh chóng của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Họ đang tìm mọi cách tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo. Thực tế nhìn vào ngân sách quốc phòng năm 2022 có thế thấy điều đó, họ chi 8,9 tỷ USD cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA).

Phó Đô đốc John Hill, Giám đốc MDA cho biết rằng, ngoài việc nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh, cơ quan này đang nghiên cứu một loại cảm biến không gian mới để theo dõi và ngăn chặn vũ khí siêu thanh. Trong ngân sách 8,9 tỷ USD, MDA sẽ chi 7,2 tỷ USD (80%) cho nghiên cứu và phát triển.

Vào đầu năm nay, MDA đã chọn Northrop Grumman và L3 Harris để chế tạo một vệ tinh có thể phát hiện và đánh chặn vũ khí siêu thanh. Vào tháng 1/2021, Northrop Grumman đã giành được một hợp đồng trị giá 155 triệu USD và một hợp đồng trị giá 121 triệu USD khác đã được ký với L3 Harris. Cả hai công ty dự kiến sẽ cung cấp nguyên mẫu vệ tinh vào tháng 7/2023. Các vệ tinh này dự kiến sẽ được triển khai ở các quỹ đạo thấp của Trái đất và sẽ trở thành một phần của mạng lưới cảnh báo tấn công tên lửa của Mỹ.

Lầu Năm Góc xác định rằng, đối thủ chính của Hoa Kỳ là Nga và Trung Quốc, những nước đang phát triển và đưa vào trang bị các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới và tên lửa siêu thanh.

Ngoài ra, MDA cũng đang tìm cách tạo ra một hệ thống phòng thủ nhằm chống lại vũ khí siêu thanh. Hiện tại, Lầu Năm Góc gần như không có khả năng phòng thủ chống lại tên lửa siêu thanh, vì vậy các lực lượng mặt đất sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi và phát hiện tên lửa siêu thanh đang di chuyển với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh.

Chuyên gia Anupama Ghosh cũng nhắc lại rằng, các cuộc thử nghiệm đầu tiên của AGM-183 trong chương trình Vũ khí phản ứng nhanh trên không (ARRW) của Mỹ đã thất bại. Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đã hoàn thành xuất sắc các cuộc thử nghiệm này và đưa vào trang bị.

Hiện tại, Nga là nước đã được trang bị nhiều loại vũ khí siêu thanh nhất. Tổ hợp Avangard, được đưa vào hoạt động vào tháng 12/2019, có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường và bay với tốc đố khoảng 32.000 km/h. Ngoài ra, Nga còn có tên lửa siêu thanh Kinzhal được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31, tên lửa siêu thanh Zircon dành cho các tàu chiến.

Vì vậy, chuyên gia này kết luận rằng, công nghệ siêu thanh của Điện Kremlin sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, những nước này không có khả năng phòng thủ trước các tên lửa mới nhất của Moscow.

Minh Tú